Nhắc đến địa điểm du lịch Thái Bình nổi tiếng thì chúng ta không thể nào bỏ qua chùa Keo Thái Bình – ngôi chùa cổ độc nhất vô vị ở nước ta. Vậy ngôi chùa này có điều gì đặc biệt và hấp dẫn du khách đến vậy?
Chùa Keo tên chữ là Thần Quang tự thuộc địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chùa Keo gồm 2 cụm kiếm trúc: chùa là nơi thờ Phật và Đền thánh là nơi thờ đức Dương Không Lộ - vị quốc sư triều Lý đã có công dựng chùa
Theo sử sách, Thiền sư Dương Không Lộ người làng Giao Thủy, phủ Hà Thanh, sinh năm 1016. Năm 29 tuổi ông đi tu. Năm 1061 sau khi sang Tây Trúc tu luyện về đạo Phật, ông về nước và cho dựng chùa Nghiêm Quang- tiền thân của chùa Thần Quang ngày nay. Năm 1167, đời vua Lý Anh Tông, nhà vua xuống chiếu đổi tên chùa Nghiêm Quang Tự thành Thần Quang tự.
Năm 1611, do sông Hồng sạt lở, chùa bị bão lũ làm đổ, nửa làng Dũng Nhuệ phiêu dạt sang tả ngạn sông Hồng. Thời đó có quan Tuần Thọ Hầu Hoàng Nhân Dũng cùng vợ là bà Lại Thị Ngọc Lễ xin chúa Trịnh Giang cho mời Cường Dũng Hầu Nguyễn Văn Trụ vẽ kiểu, vận động cả nước góp của xây dựng lại chùa. Qua 19 năm chuẩn bị, 28 tháng thi công, đến tháng 11 năm Nhâm Thân (1632) chùa Keo được tái tạo, khánh thành.
Dưới thời nhà lý vẫn còn tồn tại tấm văn bia trong đó có ghi “nơi thờ Phật nước Nam đâu đâu cũng có, nhưng chỉ có chùa Thần Quang ở vùng Dũng Nhuệ, làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) là nơi danh thắng bậc nhất từ Bắc tới Nam…”
Toàn cảnh chùa Keo xây dựng thời đó gồm 21 công trình, với 157 gian trên khu đất rộng 58.000m2.
Mỹ thuật của ngôi chùa có thể kể đến các kiến trúc đao loan uốn cong chạm trổ hình rồng, phượng, cá... vô cùng công phu, tỉ mỉ
Hiện nay toàn bộ kiến trúc chùa Keo còn 17 công trình với 128 gian phân bố theo kiểu “Nội Công, ngoại Quốc” trên 2022m2. Đó là các công trình kiến trúc chính như: tam quan, chùa Phật, điện Thánh, gác chuông, hành lang, vườn tháp v.v…
Đặc biệt phải nhắc đến hệ thống tam quan độc đáo của chùa Keo Thái Bình bởi nó chứa nhiều kiệt tác kiến trúc xuất sắc nhất thời kì bấy giờ. Những nghệ nhân giỏi nhât thời kì đó đã tạc lên những cây gỗ những biểu tượng của văn hóa Đại Việt thời kì bấy giờ như hình ảnh linh vật rồng uốn lượng, thể hiện sự hưng thịnh, mạnh mẽ của chế độ.
Gác chuông 3 tầng ở điểm cuối cao hơn 11 m, bộ khung được kết cấu bởi gần 100 con sơn chồng lên nhau, được gọi là 100 đàn đầu voi. Tất cả đều liên kết bằng mộng gỗ nâng đỡ 12 mái ngói cong uy nghi. Bên trong gác chuông có khánh đá, nhấc nhẹ tay gõ đã vang vọng thinh không. Đối với chuông, khi gõ âm vang cả một vùng.
Khu chùa Phật là nơi tập trung nhiều nhất các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao vào thế kỷ 17, 18 đó là tượng Tuyết Sơn, La Hán, quan thế âm Bồ Tát...
Khu đền thánh thờ đức Dương Không Lộ
Vị đại sư thời nhà Lý được kết nối với khu thờ Phật gồm tòa giá roi, tòa thiêu hương, tòa phụ quốc và thượng điện. Những công trình này nối tiếp với nhau tạo thành một kết cấu kiểu chữ công rất lạ.
Trải qua gần 500 năm tồn tại, qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, chùa Keo vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo có từ thời Lê Trung hưng thế kỉ 17. Tháng 9-2012, Chùa Keo được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, cùng với 10 di tích khác của cả nước.
Hàng năm, tại chùa diễn ra 2 lễ hội: Lễ hội mùa xuân với tính chất hội làng truyền thống và lễ hội mùa thu (hội chính diễn ra vào trung tuần tháng 8 âm lịch), với những lễ nghi tôn giáo như lễ tế mở cửa đền, rước kiệu thánh...
Với sự cuốn hút của lễ hội, dân gian truyền câu ca "Dù cho cha đánh mẹ treo/ Em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm”. Đến chùa, dân bản địa và du khách gửi gắm khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.