Giới thiệu Chùa Đức La
Ngày 7.10.2012 người dân Bắc Giang và đặc biệt người dân ở thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang và tăng ni của vùng này sẽ long trọng làm lễ đón nhận Bằng công nhận của UNESCO cho mộc bản kinh Phật của chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La - Chùa La) là Di sản ký ức thế giới cùng với một Đại lễ cầu quốc thái dân an.
Bắc Giang là một vùng trung du bán sơn địa với rất nhiều di tích lịch sử. Trong tháng 9.2012 Bắc Giang đã có nhiều cụm di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt như: 23 địa danh gắn với cuộc khởi nghĩa chống Pháp của anh hùng "Hùm thiêng Yên Thế" Hoàng Hoa Thám; 16 xã thuộc huyện Hiệp Hòa là "An toàn khu"- ATK II, nơi góp phần bảo vệ an toàn các cán bộ cấp cao của Đảng, nơi tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng của Trung ương, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ (thời kỳ tiền khởi nghĩa và những năm kháng chiến chống Pháp)...
Và đặc biệt nhất, chính là sự kiện chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La), ngôi chùa có lịch sử từ thời Lý - Trần hơn nghìn năm tuổi, nơi tàng giữ một kho mộc bản kinh Phật quý giá, tư liệu ký ức của nhiều đời các vị Tổ sư của chùa để lại cho muôn đời sau hoằng dương Phật pháp đã được đi vào danh sách di sản thế giới.
Ngôi chùa của di sản ký ức thế giới
Trong kỳ họp của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Bangkok - Thái Lan từ14-16.5.2012, mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2012. Quyết định trên được công bố tại Hội nghị của UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Bangkok - Thái Lan vào chiều 16.5.2012.
"Ai qua Yên Tử, Quỳnh lâm/ Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành" - câu ca dao xưa đã nhắc tới chùa Vĩnh Nghiêm (chùa Đức La như cách gọi của làng), như một chốn Thiền thanh tịnh và linh nghiệm, không thua gì nơi các Tổ của Thiền phái Trúc Lâm tịnh tu trên đỉnh núi Yên Tử.
Chùa được dựng ở nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương, nhìn ra ngã ba sông là Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc, Cẩm Lý - cửa ngõ ra vào núi Yên Tử, bao quanh chùa có núi Cô Tiên. Tương truyền chùa được dựng từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tới thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) đều có các vị cao tăng tu hành nên chùa được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông (1258-1308) từ bỏ ngôi vua đã đến chùa Vĩnh Nghiêm thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập nên Thiền phái Phật giáo Việt Nam, Ngài cùng hai đệ tử là Pháp Loa và Huyền Quang tạo nên Trúc Lâm Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
Chùa Vĩnh Nghiêm vốn từ xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ các bộ ván khắc kinh, theo sách nhà chùa để lại "Tàng kinh các" rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá, như: "Sadi tăng Sa di li tỉ khiêu lỵ" (348 giới luật), bộ "Yên Tử nhật trình" từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), "Hoa Nghiêm sớ", "Di Đà sớ", "Đại thừa chỉ quán", "Giới kinh ni"... Nhiều kệ ván in kinh vẫn còn. Đó là kho ván khắc in, người xưa gọi là Mộc thư khố, là hiện vật minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hiện tại có tất cả 3.050 bản khắc gỗ với 9 đầu sách lớn thuộc hai loại kinh, sách chính: Loại kinh sách có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ được các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm kế truyền, chú dẫn theo tư tưởng Việt Nam và loại kinh sách của các Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm sáng tác truyền lại.
Được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm, những mộc bản này được khắc vào nhiều thời điểm khác nhau, là tư liệu phản ánh những tư tưởng quan trọng trong triết lý Phật giáo Việt Nam. Các mộc bản có kích thước không đồng đều. Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40-50cm, bản nhỏ nhất khoảng 15x20cm.
Một số ván in có những hoa văn và hình chạm khắc đặc biệt thể hiện triết lý Phật giáo. Mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Hán, Nôm. Những bản khắc có niên đại sớm nhất, nhiều sách nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo, trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta.
Các bản mộc thư chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ Thiền phái làTrần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng. Nghiên cứu mộc thư khố, chúng ta có lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo, tư tưởng hành đạo, nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm, văn học, phong tục tập quán cùng sự phát triển của nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam. Đặc biệt một số mộc thư giới thiệu cách chữa bệnh bằng thuốc nam, cách châm cứu với bản sơ đồ chỉ dẫn các huyệt rõ ràng..
Một ngày "thiền" trong di sản
Tôi đến chùa Vĩnh Nghiêm lần này là lần thứ 4, mỗi lần một cảm xúc khác nhau, nhưng chung nhất là cảm giác bình yên đến kỳ lạ. Có thể con đường vào chùa quanh co qua những rìa thôn làng thơm mùi lúa ngậm đòng yên bình.
Có thể chùa nằm sâu trong vòng cung núi nên cách xa những ồn ào bụi bặm của con đường quốc lộ và phố thị. Mà cũng có thể sự bề thế của những kiến trúc gỗ, những tàng cây cổ thụ trùm bóng xuống các góc mái chùa rêu phong tạo sự uy nghiêm trầm lặng, ẩn giấu nhiều câu chuyện hư ảo chốn Thiền từ hơn 7 thế kỷ nay của ba vị Trúc Lâm Tam Tổ...
Đại đức Thích Thanh Vịnh (Phó trụ trì chùa) nói với tôi về dòng Thiền Trúc Lâm, về một số quan niệm trong Phật pháp giữa "Đạo" và "Đời", về giáo pháp, tu trì và quan điểm "Thập Thiện" của chúng sinh. Và cũng để thỏa mãn sự tò mò của tôi, Đại đức đã cho tôi được chiêm ngưỡng "Di sản ký ức nhân lọai" - những mộc bản kinh Phật quý giá. Những kệ gỗ có tuổi mấy trăm năm, bên trong xếp hàng lớp những bản gỗ đen mun.
Dù không biết trong đó viết gì vì toàn chữ Hán - Nôm, nhưng khi cầm trên tay, tận mắt nhìn những con chữ khắc một cách tinh xảo trên đó, cảm giác như đang cầm báu vật, như đang chạm vào lịch sử Phật giáo Việt Nam, như đang cảm nhận hơi ấm của tiền nhân truyền lại hậu thế nhân gian những thông điệp về cõi người, về sự vô thường của trời đất vũ trụ bao la...
Nắng chiều thu ở nơi cửa thiền cũng hình như trong hơn, vàng hơn, nhuộm sắc cỏ cây và những mái chùa huyền hoặc hơn trong tiếng kinh, tiếng chuông và tiếng gõ mõ, như từng nhịp Hoa Nghiêm, Bát Nhã làm thanh tịnh lòng người. Lẩn khuất đâu đó trong khoảng sân chùa rộng thênh bóng dáng tiền nhân, vạt áo nâu sồng, bước chân nhẹ bỗng thoát tục...