Xét về mặt kiến trúc, nơi đây là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp hội tụ nhiều phong cách kiến trúc điêu khắc, tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Champa. Cụ thể có các loại sau: phong cách cổ, phong cách Hòa Lai, phong cách Đồng Dương, phong cách Mỹ Sơn, phong cách PoNagar và phong cách của người dân Bình Định,.
Thánh địa Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn Ấn Độ cả về kiến trúc và văn hóa. Nó được thể hiện ở những ngôi tháp còn mang dáng dấp của một triều đại huy hoàng trong quá khứ, hay những bức phù điêu, các tấm bia được viết bằng chữ Phạn cổ với hoa văn và họa tiết trở nên vô cùng sống động và đẹp đẽ.
Mỗi đền tháp thờ những vị thần, những triều vua khác nhau nên mang những dấu ấn riêng. Tuy nhiên, nhìn chung tháp Chăm đều được xây dựng trên một mặt bằng tứ giác và được chia làm 3 phần: Đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Đế tháp biểu hiện thế giới trần gian, vững chắc. Thân tháp tượng hình của thế giới thần linh, kỳ bí mê hoặc. Phần đỉnh tháp là hình người dâng hoa trái theo nghi lễ hoặc hình cây lá, chim muông, voi, sư tử… động vật gần gũi với tôn giáo và cuộc sống con người. Ba phần của tháp còn tượng trưng cho 3 vị thần: Brahma, Vishnu, Siva tương ứng với 3 thế giới: thế giới trần tục, thế giới tâm linh và thế giới thần linh. Các Tháp đều hướng về phía Đông là hướng của thần Siva ngự trị. Nhưng tại Mỹ sơn vẫn có một vài ngôi tháp quay về hướng tây hoặc có cả 2 cửa trổ về 2 hướng đông tây biểu hiện tư tưởng hướng về thế giới bên kia của những vị vua sau khi chết được phong thần và để tỏ lòng hoài niệm tổ tiên. Mỗi khu đền tháp đều có một tháp chính và các tháp nhỏ xung. Ngôi đền chính tượng trưng cho ngọn núi Meru- trung tâm vũ trụ, nơi hội tụ của thần linh.
Du khách nào tinh ý sẽ nhận ra các đền tháp ở đây đều được xây dựng tuân theo một khuôn mẫu. Ở chính giữa là đền thờ, gọi là Kalang. Đối diện là các tháp cổng (Gopura) quay về hướng đông và tây. Trước tháp cổng là một ngôi nhà dài, là nơi tiếp nhận lễ vật đón khách hành hương. Với mái hình thon dài gọi là mandapa. Mandapa gồm nhiều cửa sổ và hai cửa chính luôn mở xoay về hai hướng đông, tây. Tại hành lang, những người đi lễ tiến hành thủ tục tẩy rửa bụi trần và cầu nguyện trước khi vào Kalan thực hiện các nghi lễ. Các tháp Chăm không rộng lắm. Thông thường bên trong chỉ thờ một bộ Linga tượng trưng cho thần Siva chiếm gần hết diện tích, còn lại là một lối hẹp đủ để người hành lễ xếp hàng một đi vòng quanh. Đền thờ được xây dựng rất kín, không có cửa sổ nên bên trong thường thiếu ánh sáng. Vì thế mà trên ba vách tường đều có những ô nhỏ hình tam giác để đặt đèn.
Các tháp đều có hình chóp, biểu tượng của đỉnh Meru thần thánh, nơi cư ngụ của các vị thần Hindu. Tường bên ngoài tháp thường trang trí hoa văn lá cuốn hình chữ S nối liền nhau. Các vật trang trí là tượng điêu khắc bằng sa thạch hình Makara (con thú thần thoại có nanh nhọn và vòi dài), hình vũ nữ Apsara, sư tử, voi, chim thần Garuda, tượng người cầu nguyện. Chúng được xếp khít với nhau và đến ngày nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào xác định được chất kết dính, hình người, hình thù lên tháp.
Để nắm được những bí thuật kiến trúc của Thánh Địa Mỹ Sơn, có lẽ sẽ rất khó để lý giải được. Chính vì thế, để giảm đi sự tò mò về địa điểm này thì hãy ghé đến đây để trải nghiệm tận mắt về công trình đồ sộ này nhé!