Vốn nổi tiếng với khu vực làng chài xưa của thành phố, có làng nghề truyền thống nước mắm đặc trưng và các món ăn dân dã (hải sản tươi sống, gỏi cá, bún cá, rong biển…) không chỉ hấp dẫn khách du lịch mà còn là điểm đến thú vị đối với người dân thành phố Đà Nẵng. Tại đây, hiện nay đang bảo tồn một số di tích có giá trị lịch sử (lăng Ngư Ông, miếu Âm Hồ, miếu Bà Liễu Hạnh, mộ Tiền Hiền, Giếng Vuông, đình làng Xuân Dương…) với nhiều lễ hội đặc sắc hằng năm, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh tại khu vực. Đặc sản nổi tiếng của khu vực này phải nói đến làng nghề nước mắm Nam Ô truyền thống với khoảng 20 cơ sở sản xuất, với nguồn nguyên liệu tươi sống đánh bắt từ vùng biển Đà Nẵng (cá cơm than, chum muối cá bằng gỗ mít, chum nẹp gỗ, chum đất…). Giữ nguyên công thức làm nước mắm truyền thống sử dụng nguyên liệu cá cơm than Đà Nẵng, ướp với muối Sa Huỳnh – Quảng Ngãi với công thức 10 cá 3 muối và trải qua 12 tháng ủ mắm bao gồm 5 tháng phơi nắng, 5 tháng ủ trong bóng râm và công đoạn cuối lọc 10 lần để làm ra nước mắm óng ánh đặc sánh màu cánh gián nguyên chất.
Một trong những nét văn hóa nổi bật nơi đây chính là ẩm thực dân dã với món gỏi cá trích trứ danh, món bún cá đậm chất quê hương và đặc sản rong biển (mứt biển) là nguồn thu nhập đáng kể của người dân địa phương. Được mệnh danh là Sashimi Việt Nam, gỏi cá Nam Ô được làm từ nhiều loại cá tươi ngon đánh bắt trong ngày, nhưng ngon nhất vẫn là gỏi cá trích bởi cá trích nhỏ, xương mềm, thịt săn chắc và ngọt, dưới bàn tay chế biến của người dân cùng nước chấm được làm từ công thức bí truyền làm nên món gỏi cá nổi tiếng gần xa. Và khi trở về sau chuyến hành trình đầy thú vị ở Đà Nẵng thì trong hành lý của du khách sẽ luôn có một vài món đặc sản làm quà cho người thân và bạn bè, mà không thể thiếu chính là rong biển (mứt biển), một trong những loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ ăn và dễ chế biến.
Hiện nay, khu Tây Bắc thành phố và đặc biệt là khu vực Nam Ô còn bỏ ngỏ với nhiều tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng chưa được khai thác. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi vốn có, khu vực này cần được đầu tư và thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch bền vững gắn liền với lợi thế địa lý, địa hình, cảnh quan, cộng đồng dân cư tại khu vực (Trải nghiệm tham quan trên thuyền thúng; tắm biển; tham quan di tích, làng nghề truyền thống; thưởng thức ẩm thực địa phương; chụp ảnh tham quan làng bích họa, trekking quanh ghềnh, lưu trú homestay…). Bên cạnh đó, thành phố đã định hướng tập trung vào khai thác thị trường khách nội địa yêu thích loại hình dịch vụ du lịch trải nghiệm, khám phá và đối với thị trường khách quốc tế tập trung vào thị trường khách truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và thị trường khách tiềm năng (Châu Âu, Châu Mỹ); đồng thời, khai thác lượng khách đến nghỉ dưỡng tại khu du lịch Nam Ô sau khi đưa vào hoạt động.
Để đề án được triển khai hiệu quả, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ phối hợp với các ngành liên quan triển khai đồng loạt nhiều giải pháp khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng tại Nam Ô, cụ thể như: Xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề tại khu vực; vận động các Nhà đầu tư, doanh nghiệp tại khu vực thực hiện đầu tư tài trợ cải tạo chỉnh trang đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, điện chiếu sáng công cộng, cây xanh bóng mát…; huy động nguồn lực từ người dân địa phương tham gia các dịch vụ cộng đồng, tạo việc làm cho người lao động địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; quy hoạch khu vực neo đậu tàu, thuyền thúng cho ngư dân quanh khu vực; khuyến khích hoạt động các loại hình du lịch: tham quan khu vực ghềnh, ngắm bình minh, hoàng hôn trên thuyền thúng, nghỉ dưỡng trên bãi cát; các giải pháp cơ bản về nguồn nhân lực.
Thành phố cũng sẽ triển khai lồng ghép quảng bá các dịch vụ du lịch cộng đồng tại khu vực Nam Ô gắn với các chương trình, sự kiện du lịch nói riêng và các hoạt động chung của thành phố nói chung; quảng bá hình ảnh du lịch cộng đồng tại Nam Ô thông qua quảng bá hình ảnh du lịch của Đà Nẵng, trong đó kênh chủ yếu vẫn là Internet (trên các trang điện tử của các công ty du lịch, lữ hành tin cậy như TripAdvisor,…), các kênh đối ngoại và các ấn phẩm in (ở ga tàu, sân bay, các trạm cung cấp thông tin du lịch,…)…; lLiên kết phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực Nam Ô đồng bộ với các khu vực dịch vụ biển khác trên tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành như: Khu du lịch sinh thái Nam Ô, khu du lịch và resort Mikazuki Xuân Thiều, các tổ kinh doanh dịch vụ trên tuyến, các khách sạn, resort khu vực phía Đông thành phố…; kết nối du lịch sinh thái cộng đồng (khu vực Hòa Bắc – Hòa Vang), du lịch văn hóa – lịch sử khám phá các bảo tàng, di tích (danh thắng Ngũ Hành Sơn, Thành Điện Hải, Hải Vân Quan, Khu căn cứ cách mạng K20, các đình làng,…), du lịch văn hóa – tâm linh… tạo nên sự phát triển đồng bộ, đa dạng dịch vụ.
Đề án cũng đã đề xuất nghiên cứu phát triển một số sản phẩm du lịch tại khu vực Nam Ô như: trải nghiệm bình minh, hoàng hôn ở vịnh Nam Ô trên thuyền thúng; tổ chức tắm biển và trải nghiệm dịch vụ tại bãi tắm Nam Ô; Tổ chức hoạt động cho du khách tham quan và tìm hiểu về các di tích văn hóa, lịch sử tại khu vực; tổ chức hoạt động cho du khách tham quan bảo tàng ốc và trải nghiệm hoạt động văn hóa; tham quan, trải nghiệm tại làng nghề nước mắm truyền thống,mô hình sản xuất trồng rau sạch, thưởng thức các đặc sản tại địa phương như gỏi cá, bún cá, hải sản…; tổ chức hoạt động cho người dân, du khách tham quan, chụp ảnh tại khu vực Bãi rêu – Ghềnh Nam Ô; tổ chức cho du khách trải nghiệm cùng sống, lưu trú và trải nghiệm tham gia công việc hàng ngày với người dân địa phương; tổ chức đi bộ tham quan ghềnh Nam Ô (dự kiến sẽ được đầu tư hình thành một Công viên sinh thái theo hướng hạn chế tối thiểu việc tác động đến hệ sinh thái) để người dân và du khách trải nghiệm, ngắm cảnh.
Việc phát triển du lịch cộng đồng sẽ xây dựng Nam Ô trở thành một điểm du lịch ngay trong thành phố gắn liền với thiên nhiên, với văn hóa trải nghiệm; sẽ không chỉ là điểm đến hấp dẫn với người dân địa phương mà sẽ tăng cường thu hút du khách nội địa, quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch của Đà Nẵng hướng đến phát triển môi trường du lịch bền vững.