Vịnh biển Lăng Cô cách thành phố Đà Nẵng hơn 25km về phía Bắc, là điểm dừng chân đầu tiên khi đến Huế, hệt một lời chào duyên dáng của thành phố mộng mơ.
Bãi biển Lăng Cô trong xanh, nằm thoai thoải, kéo dài khoảng 10km, thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, sát quốc lộ 1A, gần đèo Hải Vân. Lăng Cô thơ mộng với những cồn cát trắng, nước biển trong xanh, hòa với màu xanh của núi rừng. Vịnh biển này là thành viên thứ 30 của Câu lạc bộ “Các vịnh biển đẹp nhất thế giới” vào năm 2009.
Đến Lăng Cô bằng cách phóng xe máy, nghe gió biển phả từng cơn trên cung đường khúc khuỷu vượt đèo Hải Vân được nhiều khách du lịch ưa mạo hiểm lựa chọn. Dù hầm đèo Hải Vân hoàn thành từ lâu, an toàn, nhanh chóng nhưng dường như không đủ sức quyến rũ những tâm hồn ưa khám phá. Bởi đi “phượt”qua đường đèo Hải Vân có thể ngắm những cảnh đẹp ngoạn mục, hùng vĩ, và đặc biệt là chiêm ngưỡng vịnh Lăng Cô thơ mộng từ trên đèo cao lộng gió.
Những cảm nhận đầu tiên về Lăng Cô đến từ hai cánh mũi, xộc thẳng vào mũi sự thanh khiết của những cơn gió biển. Tới đây ai cũng căng ngực hít thật sâu, thật tham lam bầu không khí lành trong, giũ sạch những ồn ào, bụi bặm phố thị.
Sau những cung đường đèo Hải Vân uốn lượn đến rợn tóc gáy, Lăng Cô “ mở òa” trong tầm mắt với màu biển xanh lơ, bãi cát vàng thoai thoải, những mái nhà ngói đỏ nổi bần bật giữa làn sương mỏng manh của vịnh biển gần ban trưa, thuyền câu nhấp nhô, và tiếng sóng vỗ vách đá chưa bao giờ mạnh mẽ, quyến rũ như thế.
Chịu ảnh hưởng của bão một ngày đầu tháng 10, Lăng Cô vẫn hoang dã, phóng khoáng và xinh đẹp như một bài thơ... Vịnh biển nằm ngay vị trí đắc địa là eo biển miền Trung, có phải vì thế mà nó cũng sở hữu những đường cong tuyệt mỹ nhất? Đường cong mềm mại của dải cát ven biển dập dờn theo từng con sóng khiến những ánh mắt từ Hải Vân quan không thể rời.
Đường tàu hỏa uốn lượn ôm lấy eo biển cộng với đường đèo và dải cát dưới vịnh tạo nên những đường cong kỳ thú. Nhìn ngắm những toa tàu đang rầm rập chuyển bánh qua đây, nhẫn nại ôm lấy khúc quanh chân đèo mới cảm hết được nét đẹp hài hòa giữa tự nhiên và những yếu tố thuộc về con người. Lăng Cô hoang sơ, dấu ấn hiện diện của con người ở đây chưa quá dữ dội để phá đi thế cân bằng và nên thơ mà thiên nhiên ban tặng. Và chừng nào những ống khói nhà máy, những khu resort chưa giành thế áp đảo thì Lăng Cô vẫn là nàng thơ khiến du khách không ngừng say đắm.
Có ai đó đã nói đường cong quyến rũ nhất là đường cong của nụ cười rạng ngời. Đặt chân tới vùng đất ven biển này để thấy nụ cười Lăng Cô, tươi rói và mặn nồng mùi biển. Người dân chài lưới sống mộc mạc theo những con sóng, xa những náo nhiệt của thị thành, hiếu khách thì miễn bàn. Lang thang cả buổi chạy theo những cảnh đẹp, vị biển mặn làm ta thèm da diết một cốc nước chè. Biết tìm ngụm nước mát ở đâu giữa bốn bề mênh mông sóng biển nếu không từ tấm lòng một mệ người Huế đang đan lưới và móm mém: “Bây đi mô rứa? Vô đây mà uống nước chè”. Bát nước chè ngọt lịm như giọng xứ Huế, hương vị cứ theo ta mãi. Những “đường cong” Lăng Cô mê hoặc ta một, những nụ cười Lăng Cô quyến rũ ta tới mười là vậy.
Nằm lọt thỏm giữa một nhánh rẽ của dãy Trường Sơn đâm ra biển, một đầu là đèo Hải Vân, đầu kia là đèo Phú Gia, Lăng Cô sở hữu dãy cồn cát tuyệt đẹp dưới những tán cây xanh mướt bốn mùa. Đến Lăng Cô vào mùa nào cũng sẽ có những điều hấp dẫn riêng. Mùa hè, Lăng Cô là thiên đường tránh nắng, bầu không khí dịu mát nhờ biển xua tan cái nắng rát, tưởng chừng những giọt nước li ti hòa lẫn vào không gian, dễ chịu vô cùng. Trong lúc cả dải miền Trung đang chịu trận bởi “chảo lửa” bỏng rát thì khí hậu Lăng Cô ôn hòa ở mức 25-26 độ. Vào những ngày cuối thu, Lăng Cô đắm chìm trong làn sương mờ ảo, khiến du khách choáng ngợp, tưởng chừng không dám thở mạnh, cứ ngỡ chỉ một hơi thở sẽ làm tan biến mất làn sương mỏng manh như khói đang bao phủ. Chiều chiều, từng đàn cò trắng kéo nhau bay rợp trời về vùng đầm Lập An tìm chỗ ngủ tạo nên một phác thảo mang đậm phong cách thủy mặc.
Gần đây, sẵn địa thế nằm gần khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Bạch Mã, Lăng Cô đã trở thành một điểm đến đầy thu hút khi kết hợp được không gian còn hoang sơ của rừng núi và với nhịp sống nhộn nhịp của vùng biển nhiều tàu thuyền qua lại. Nếp sống dân chài ở đây là sức hút tự nhiên đối với du khách ưa khám phá nét sinh hoạt dân địa phương.
Phần đông du khách đến với Lăng Cô đều khoái các thú vui như câu cá, lặn biển và leo núi, xuyên rừng. Cảm giác hòa mình vào thiên nhiên và cuộc sống dân chài, kết hợp các hoạt động tay chân, leo núi, bơi, khám phá núi rừng hùng vĩ… không gì sảng khoái bằng! Thị trấn nhỏ và yên bình này mang lại cho du khách thời gian thư giãn tuyệt vời và nhiều trò chơi gắn liền với biển. Ngoài ra, du khách có thể tận hưởng những món ăn hải sản quý và đến thăm một số cảnh đẹp như Chân Mây, làng chài Lăng Cô gần bãi biển.
Lăng Cô vốn là một làng chài do vậy dân cư đầm phá này sinh sống chủ yếu bằng nghề bắt cá, nuôi trồng hải sản và dịch vụ du lịch. Với đặc thù đầm phá giữa nước lợ và nước mặn dễ nuôi các loài hải sản như tôm hùm, tôm sú, tôm bạc, tôm he, tôm vằn, tôm đất, cua, sò huyết, hàu… Đặc biệt hàu ở Lăng Cô có vị ngọt mặn đậm đà xen chút vị beo béo rất riêng. Hàu như một sản vật mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho làng chài ven vịnh Lăng Cô từ bao đời. Du khách từ phương xa đến đây được thưởng thức thịt heo luộc chấm các loại mắm tôm chua, mắm sò huyết, kèm theo rau thơm đủ loại “thơm ngon đến miếng cuối cùng”. Những du khách sành ăn nhất cũng phải đồng ý ăn hải sản ở Lăng Cô thì “đúng điệu” phải biết.
Đến Lăng Cô một lần để biết cảm giác choáng ngợp trước thiên nhiên, cảnh đẹp khiến ta đứng chôn chân, không muốn rời bước. Sẽ là một may mắn nếu chiêm ngưỡng hoàng hôn về trên vịnh biển. Cảm giác thả lỏng đến từng tế bào nhỏ, còn đôi mắt bị một lực hút vô hình từ bức tranh thủy mặc Lăng Cô cuốn lấy. Nắng nhường chỗ và bóng tối lấn tới, chỉ còn vài tia nắng còn mải mê rong chơi, tô điểm chút hồng cho làn nước biển. Cảnh sắc đẹp khiến ngôn từ và mọi lời ngợi khen trở nên bất lực. Và tích tắc đó như lời nhắc nhở ta đang thực sự sống, bởi có lẽ “cuộc sống không đo bằng hơi thở mà đo bằng những nơi chốn và khoảnh khắc làm ta nín thở” như thế!