Ngày nay, lăng vua Thiệu Trị là một địa điểm khá bình lặng so với lăng của các vị vua tiền nhiệm và kế nhiệm ông. Dù có nhiều điểm tương đồng với lăng Gia Long và lăng Minh Mạng, nhưng lăng Thiệu Trị vẫn có nét riêng, có thể coi là độc nhất vô nhị phần nào thể hiện được nét tính cách của vị vua này
LĂNG THIỆU TRỊ HUẾ NẰM Ở ĐÂU?
Lăng Thiệu Trị có tên chữ là Xương Lăng, nằm ở địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách kinh thành Huế chừng 8km về hướng Nam. Đặc biệt, lăng được xây dựng quay về hướng Tây Bắc, một hướng chưa bao giờ được dùng trong các công trình kiến trúc lớn ở Huế thời bấy giờ.
DI CHUYỂN ĐẾN LĂNG THIỆU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?
Nằm khá gần với trung tâm thành phố Huế nên cũng không quá khó để bạn có thể tìm đến với lăng Thiệu Trị, bạn có thể di chuyển đến lăng bằng đường như sau:
- Bắt đầu từ đường Huyền Trân Công Chúa, bạn đi theo tuyến Quốc lộ 49, đến ngã ba chùa Hồng Đức thì rẽ phải vào đường Minh Mạng một đoạn nữa là đến lăng Thiệu Trị.
NÊN ĐI LĂNG THIỆU TRỊ THỜI ĐIỂM NÀO?
Thời tiết ở Huế dễ chị nhất là vào khoảng tháng 1 đến tháng 4 hằng năm, nên đây là khoảng thời gian thích hợp để bạn có thể đi tham quan lăng tẩm cũng như các địa điểm du lịch khác tại Huế.
Quần thể lăng cũng khá nhỏ nên bạn có thể chỉ tốn từ 1-2 tiếng để có thể khám phá hết.
GIÁ VÉ, THỜI GIAN MỞ CỬA CỦA LĂNG THIỆU TRỊ
- Hiện nay, giá vé được cập nhật mới nhất của lăng Thiệu Trị:
Người lớn: 50.000vnd/vé
Trẻ em từ 7-12 tuổi: miễn phí
- Lăng mở cửa đón khách vào tất cả các ngày trong tuần, từ thứ hai đến chủ nhật (7h - 17h30)
SƠ LƯỢC VỀ VUA THIỆU TRỊ
- Vua Thiệu Trị là con trai trưởng của vua Minh Mạng, lên ngôi giữa tuổi 34, trị vì đất nước được 7 năm (1841-1847) thì băng hà. Sinh thời, nhà vua chưa lo nghĩ đến cái chết của mình, phần do không muốn binh dân hao tổn quá nhiều sức lực và của cải để xây dựng lăng Thiệu Trị. Cho đến lúc chuẩn bị ra đi, nhà vua đã trăn trối với người con trai sắp kế vị rằng: "Chỗ đất làm Sơn Lăng nên chọn chỗ bãi cao, chân núi cận tiện, để dân binh dễ công việc. Đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu Lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cho kiệm ước, không nên làm nhiều đền đài, hao phí đến tài lực của binh dân".
- Vâng mệnh vua cha, vua Tự Đức đã chọn được cuộc đất tốt ở chân núi thấp để xây lăng. Ngọn núi ấy được đặt tên là núi Thuận Đạo và lăng lấy tên là Xương Lăng. Ngày 11/02 năm 1848, lăng Thiệu Trị bắt đầu được khởi công xây dựng. Quá trình xây cất lăng Thiệu Trị diễn ra nhanh chóng và gấp rút, nên chỉ sau 3 tháng thi công, các công trình chủ yếu đã hoàn thành. Ngày 14/6 năm 1848, vua Tự Đức thân hành lên Xương Lăng kiểm tra lần cuối. 10 ngày sau, thi hài vua Thiệu Trị được đưa vào an táng trong lăng, sau 8 tháng quàn tại điện Long An ở cung Bảo Định.
- Vua Tự Đức viết bài văn bia dài trên 2.500 chữ, cho khắc lên tấm bia "Thánh đức thần công", dựng vào ngày 19/11/1848 để ca ngợi công đức của vua cha Thiệu Trị. Như vậy, tính từ ngày bắt đầu xây dựng đến ngày hoàn tất, lăng Thiệu Trị được thi công trong vòng chưa đầy 10 tháng.
QUY MÔ VÀ KIẾN TRÚC LĂNG THIỆU TRỊ
- Lăng vua Thiệu Trị được xem là sự dung hòa hai mô thức kiến trúc của hai lăng vua tiền nhiệm. Xương Lăng giống với Thiên Thọ Lăng ở chỗ đều không có La Thành, khu vực lăng mộ và tẩm điện biệt lập, song song với nhau. Xương Lăng lại giống Hiếu Lăng ở cách thức mai táng và xây dựng Toại đạo, Bửu Thành hình tròn với hồ Ngưng Thúy hình bán nguyệt bao bọc ở phía trước. Các nhà thiết kế lăng Thiệu Trị đã tách riêng khu vực tẩm điện trong lăng Minh Mạng rồi cải tiến, sửa đổi cho phù hợp với cảnh quang của Xương Lăng để tạo đồ án thiết kế lăng này thành hai trục: Trục lăng nằm bên phải và trục tẩm - khu vực điện thờ nằm bên trái. Hai trục cách nhau khoảng 100 mét.
- Ở Trục Lăng, từ ngoài vào là các công trình: Hồ Nhuận Trạch - Bức Bình Phong - Nghi Môn - Sân chầu - Bi Đình - Lầu Đức Hinh - Trụ biểu - Cầu Đông Hòa, cầu Chánh Trung, cầu Tây Định - Bửu Thành (nơi đặt thi hài nhà vua).
- Trục tẩm gồm các công trình: Bình phong - Hồ Điện - Sân chầu - Hồng Trạch Môn - Tả, Hữu Phối viện - Điện Biểu Đức - Tả, Hữu Tùng viện.
- Bi Đình và lầu Đức Hinh ở Xương Lăng mang dáng vóc của Bi Đình và Minh Lâu ở lăng Minh Mạng. Đứng trên lầu Đứng Hinh, phóng tầm mắt ra phía sau sẽ thấy một cảnh quan trác tuyệt. Hai hàng tượng đá ở hai bên tả, hữu của sân chầu là tiêu biểu của nghệ thuật tạc tượng đầu thế kỷ XIX ở Huế.
Lăng vua duy nhất quay mặt về hướng Tây Bắc
- Xét về phong thủy, lăng Thiệu Trị ở vào vị thế "Sơn chỉ thủy giao". Lăng quay mặt về hướng Tây Bắc, một hướng chưa bao giờ được dùng trong các công trình kiến trúc lớn ở Huế lúc bấy giờ.
- Phía trước, cách lăng khoảng 1km có đồi Vọng Cảnh, bên trái có núi Ngọc Trản chầu về trước lăng theo vị thế "Tả long hữu hổ". Ngọn núi Chằm cách đó khoảng 8km đứng làm "tiền án" cho khu vực lăng, động Bàu Hồ ở gần hơn làm bình phong thiên nhiên cho khu vực tẩm. Ở đằng sau, ngoài ngọn núi Kim Ngọc ở xa, người xưa đã đắp một mô đất cao lớn làm "Hậu chẩm" cho lăng. Trong phạm vi lăng có ba hồ bán nguyệt là Hồ Điện, hồ Nhuận Trạch và hồ Ngưng Thúy cùng dòng khe từ hồ Thủy Tiên chạy ra bên phải, giao lưu với nhau bằng những đường cống xây ngầm dưới các lối đi.
- Ngoài ra, ở gần lăng Thiệu Trị còn có ba ngôi lăng mộ khác của những người trong gia đình vua. Nằm chếch phía trước là lăng Hiếu Đông của mẹ vua - bà Hồ Thị Hoa; gần phía sau bên trái là Xương Thọ Lăng của vợ vua - bà Từ Dũ; phía trước bên trái là khu lăng "Tảo thương" là những ngôi mộ của con vua Thiệu Trị chết lúc nhỏ.
GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA LĂNG VUA THIỆU TRỊ
- Lăng Thiệu Trị dựa lưng vào chân núi Thuận Đạo, gần trước mặt lăng là một vùng đất bằng phẳng cỏ cây xanh mướt, ruộng đồng mơn mởn trải dài từ bờ sông Hương đến tận cầu Lim đã tạo cho khu lăng mô của nhà vua một vẻ trầm mặc mà thanh thoát, khiêm tốn ẩn mình giữa chốn núi đồi rộng lớn dưới bầu trời bao la.
- Lăng Thiệu Trị mát mẻ và yên tĩnh, cảnh quan hài hòa với thiên nhiên, là một địa điểm du lịch tham quan thích hợp cho du khách khi có dịp đến Huế.
Hi vọng những chia sẻ vừa rồi về Lăng Thiệu Trị - Vẻ thanh thoát của chốn yên nghỉ vĩnh hằng của Danatravel sẽ giúp ích cho bạn trong chuyến đi khám phá sắp tới nhé!