1. Nhãn lồng Hưng Yên
Ngày nay cả tỉnh Hưng Yên đều trồng nhãn, nhưng danh tiếng nhất là nhãn ở vùng Phố Hiến. Đây là con phố nhỏ dài khoảng 1km, nối từ dốc đá đến điểm tiếp giáp huyện Phù Tiên. Những cây nhãn xanh um lòa xòa bên những mái ngói cổ của 1 nền văn minh thuở trước, trổ ra những chùm nhãn trĩu cành, nâu óng...Ở đây có cây nhãn tổ, tuổi khoảng 400 năm, gốc to mấy người ôm, nay đã mục, chỉ còn 1 nhánh con mọc lên vậy mà vẫn sai chĩu quả, vẫn ngon nổi tiếng 1 vùng.
2. Chả gà Tiểu Quan
Món ăn này được làm từ thịt gà trống tơ giã nhuyễn. Chả quết lên mo cau, nướng than hồng, tạo hương vị thật độc đáo. Nó đã trở thành món đặc sản của thôn Tiểu Quan, Xã Nhuế Dương, Huyện Khoái Châu, Hưng Yên.
Cách làm chả rất công phu. Khi thịt con gà, phải chọn chỗ thịt nạc, bỏ hết gân, xương rồi thái nhỏ cho vào cối giã. Khi giã gần được thì trộn với lòng đỏ trứng gà, nước mắm ngon, hạt tiêu, gừng, mỡ lợn thái hạt lựu rồi giã tiếp. Giã thịt cũng phải có nghệ thuật, nhát nào chắc nhát ấy không để thịt bắn ra ngoài. Giã xong lấy miếng mo cau phết thịt lên phên để nướng. Việc phết thịt lên phên cũng không phải dễ dàng, nếu phết quá mỏng thịt sẽ chảy sệ và rơi xuống lò, nếu dày quá thịt sẽ không chín đều. Nướng chả có thể dùng than hoa, than củi nhưng ngon nhất là nướng bằng than của cành hoặc gốc nhãn khô. Cũng bởi thế mà chả gà Tiểu Quan mới có vị ngon mang đặc điểm của vùng quê xứ nhãn mà các vùng quê khác không có được.
3. Ếch om Phượng Tường
Làng Phượng Tường ở huyện Tiên Lũ, Hưng Yên. Ếch om là món ăn tuy dân giã nhưng nó mang đậm tính quê hương và đã được nâng lên tới mức nghệ thuật trong ẩm thực, được chế biến thành nhiều món khác nhau.
Ếch om Phượng Tườn được chế biến cầu kỳ, ếch được làm sạch, mổ bụng bỏ hết ruột gan, chỉ bóc lấy lại mỡ áo tơi, đặt ếch lên thớt dùng gọng dao dần kỹ cho nhuyễn xương, nhưng khi cầm lên vẫn phải nguyên là con ếch. Muốn thế gọng dao phải tròn, dần thật khéo, sau đó đem ướp gia vị gồm mẻ, vỏ quýt khô, mộc nhĩ, hạt tiêu, mắm tép, nước mỡ khoảng nửa giờ cho ngấm. Đoạn lấy lạt bó lại cho vào nồi nấu với măng, thịt ba chỉ. Nhớ đun nhỏ lửa cho sôi kỹ rồi bắc xuống om cạnh bếp, sao cho khi chín ếch và nước chỉ vừa một bát. Khi múc ra ếch phải nhừ, nước om phải có màu vàng đậm, sóng sánh như mật ong, toả mùi thơm quyến rũ.
4. Tương Bần - món ăn điền dã của Hưng Yên
Tương Bần nổi tiếng bởi nó được chế biến từ gạo nếp cái, đỗ tương ta hạt nhỏ, đặc biệt nước để làm tương Bần phải là nước giếng đất. Làng Bền có 1 cái giếng duy nhất dùng để lấy nước làm tương, không được dùng vào việc khác.
Làm tương là cả một nghệ thuật, từ việc rang đỗ phải rang với cát, đỗ chín vàng đều, ủ mốc phải dùng lá khoai, lá sen. Khi mốc lên hoa hòe, cầm nắm mốc lên tay phải nhẹ xốp. Chum đựng tương được cọ rửa sạch sẽ và ngâm nước vài lần. Khi ngả tương phải chọn ngày nắng, sau đó cứ sáng ra người ta lấy gậy (chuyên khuấy tương) khuấy đều từ trên xuống vài lần rồi đậy lại bằng chậu sành, tránh nắng chứ không tránh nóng. Tương Bần để lâu càng ngấu, càng ngon.
5. Giò bì phố Xuôi
Những chiếc gió bì xinh xắn là 1 trong những đặc sản c ủa Phố Xuôi, Hưng Yên. Món ăn này còn có tên gọi là "giò sậm sật", "giò nhấm nhảy" bởi nó rất giòn, thích hợp để nhắm rượu.
Để có được những chiếc giò bì thơm ngon, người phố Xuôi phải rất cầu kỳ trong các công đoạn từ việc chọn nguyên liệu, lá gói giò đến việc làm giò. Thịt nạc heo được chọn phải thật sạch, thơm, dẻo từ những chú heo được nuôi dân dã. Bì heo được làm sạch, luộc chín vừa phải, xắt thật mỏng như sợi chỉ. Thịt nạc được cho vào cối giã nhuyễn bằng tay, sau đó trộn cùng với bì đã thái chỉ, nêm thêm chút nước mắm ngon.Lá chuối cũng cần phải chọn kỹ, lá phải to bản, được rửa sạch và hơ qua lửa để có thể gói dễ dàng hơn
Những chiếc gió nóng hổi mới luộc xong rất thơm, ăn ngay thì rất mềm. Còn đề nguội, giò "đanh" lại, thơm mùi lá, lúc bóc ra có màu hơi hồng của thịt, màu trắng của bì.
6. Bánh dày làng Gàu
Bánh dày làng Gàu (xã Cửu Cao - Văn Giang) có nhân ngon nổi tiếng trên cơ sở của chiếc bánh dày thời Lang Liêu đời Hùng Vương.
Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, được vo kỹ, ngâm với nước sạch và đồ chín. Nhân bánh là đỗ xanh đãi sạch vỏ, thổi chín, giã nhuyễn, nắm thành từng nắm nhỏ. Nếu làm bánh mặn thì dùng nhân thịt nạc, làm bánh ngọt, trộn đỗ xanh với đường cát. Nhìn những chồng bánh dày trắng trẻo xếp đầy trong thúng, dưới nền lá chuối xanh, người ta liên tưởng đến sự hoá thân màu nhiệm của hạt gạo hiến dâng cho đời một món ăn của hương đồng gió nội.
7. Bún thang lươn
Những người Hưng Yên xa xứ mỗi khi về thăm quê hương thường đến Gốc Sanh ăn một bát bún thang lươn. Bát bún thang đã là một tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc: cái trắng của bún Vân Tiêu làm nền, cái vàng của nhân lươn, nhân gà được tôn lên bởi đám rau răm xanh rờn. Thêm thìa mắm tôm và muôi nước dùng bốc khói, bát bún như ân cần mời mọc, nhìn đã ứa nước miếng.
Bún thang làm không khó, nhưng làm được ngon không phải dễ. Thời trước không có mì chính nhưng nước dùng được hầm với xương lợn, xương gà, cua đồng, tôm he và sá sùng. Váng nước được hớt đi, còn lại là lượng nước trong béo ngậy. Bí quyết của nhà hàng là mọi thứ nguyên liệu được chế biến đủ độ chín tới, liều lượng cân đối không non tay cũng không già lửa. Lươn thui rồi mới mổ, không mất máu, bao giờ cũng ngon. Bún thang lươn là món ăn nhiều đạm phù hợp với tuổi tráng niên đang sung sức. Nó cũng là một nỗi nhớ của Hưng Yên.