1. Giới thiệu về đền Chử Đồng Tử
Đền Chử Đồng Tử được hình thành rải rác ở một số địa phương tại vùng Đồng bằng và trung du miền núi Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở ven sông Hồng. Hiện tại, ngôi đền này được xem là một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân tộc.
Theo lịch sử kể lại, đền Chử Đồng Tử gắn liền với một câu chuyện tình yêu lãng mạn giữa con gái Vua Hùng 18 và chàng trai nghèo họ Chử. Cho đến tận ngày nay, đây vẫn là một truyền thuyết về thiên tình sử xúc động và mãnh liệt nhất của kho tàng văn học gian.
Đến với đền Chử Đồng Tử du khách sẽ được thưởng ngoạn khung cảnh bình yên của miền quê Bắc Bộ. Đó là những con đò sang ngang, những rặng tre xanh thẳm, những dải phù sa cát trắng và cả vệt nắng quệt qua những tán cau. Lạc bước vào chốn bồng lai của đền Đa Hòa bạn sẽ cảm thấy như được tìm lại chính mình, buông bỏ hết mọi tạp niệm trong lòng.
Ngoài ra ngay tại hai ngôi đền này hàng năm sẽ thường diễn ra các lễ hội độc đáo. Được hòa mình vào không khí nhộn nhịp của ngày hội cùng người dân địa phương sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa khó quên.
2. Di chuyển đến đền Chử Đồng Tử Hưng Yên như thế nào?
Để có thể di chuyển đến đền Chử Đồng Tử Hưng Yên, bạn có thể xuôi theo dòng sông Hồng tầm 20km là sẽ đến bến Bình Minh, tại đây di chuyển vào hai ngôi đền một cách dễ dàng và nhanh chóng. Ngoài ra nếu đi xe du khách có thể đi qua cầu Chương Dương, rẽ phải đi tầm 25km dọc theo đường đê là sẽ đến đền Đa Hòa.
3. Đền Chử Đồng Tử Hưng Yên có gì?
Đền Chử Đồng Tử bao gồm 2 đền là đền Đa Hòa nằm ở thôn Đa Hòa, xã Bình Minh và đền Dạ Trạch thuộc địa phận xã Dạ Trạch, Huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Nếu có dịp du lịch Hưng Yên thì bạn nên dành chút thời gian ghé qua hai ngôi đền nổi tiếng này nhé.
Đền Đa Hòa
Đền Đa Hòa được hình thành từ năm 1894 do Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh xây dựng trên nền một ngôi đền đã cũ. Địa hình đất tại đây cao, rộng và bằng phẳng, có hình chữ nhật với diện tích lên tới 19.720m2. Hướng chính Tây của ngôi đền sẽ nhìn thẳng sang bãi Tự Nhiên, Vào năm 1962, đền Đa Hòa được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.
Kiến trúc đền Đa Hòa gồm 18 công trình lớn nhỏ khác nhau. Hầu hết đều được lợp ngói với các bờ nóc, ở đầu đao được kỹ sư vát cong hình mũi thuyền tượng trưng cho 18 đời vua Hùng.
Khu vực bên ngoài rộng 7.200m2 không có tường bao bọc. Đặc biệt tại đây có ngôi nhà bia 28 tầng, 4 hướng cửa và nằm ngay ngắn dưới bóng đa già. Du khách có thể di chuyển theo lối đi lát gạch là sẽ tới được Ngọ Môn. Dọc hai bên đường có nhà khách và nhà chuông.
Khu vực Ngọ Môn bao gồm 3 cửa: cửa chính là tòa nhà cao rộng gồm 3 gian, ở phần đỉnh nóc được đắp lưỡng long chầu nguyệt, cửa này chỉ mở khi có các đại lễ diễn ra. Hai cửa 2 bên mở cửa để phục vụ du khách tham quan.
Di chuyển qua phần sân là sẽ đến tòa Đại tế, Hậu cung, cung Đệ tam, cung Đệ Nhị và Thiêu hương. Trong số đó tòa Thiêu Hương được xây dựng theo lối kiến trúc trang nghiêm, thoáng đãng, ở các bờ nóc, đầu đao đều được chế tác, chạm trổ tỉ mỉ, trang trí các loại hình sư tử, hình rồng. Phần cửa võng tại cung Đệ nhị được chạm hình các loại hoa quả, hình hoa cúc và hình chim phượng.
Bên trong đền Đa Hòa đang được bảo tồn nhiều di vật quý giá, trong đó đặc biệt nhất là đôi lọ Bách Thọ. Đây là một cổ vật vô giá của dân tộc đã được gìn giữ qua bao đời nay. Ngoài ra còn có bức tượng đức thánh Chử Đồng Tử và vị phu nhân thứ 2 được đúc đồng vô cùng đẹp mắt và được đặt ở khu vực Hậu cung.
Đến với đền Đa Hòa du khách không chỉ được tham quan, ngắm nghía nhiều giá trị kiến trúc độc đáo mà còn được hòa mình vào khung cảnh nên thơ, thanh tịnh. Một không gian lý tưởng cho những ai đang tìm chốn bình yên để xoa dịu tâm hồn.
Đền Dạ Trạch
Đền Dạ Trạch được tọa lạc tại khu vực khá thoáng đãng cạnh đầm Dạ Trạch nên có không khí khá mát mẻ, trong trẻo. Vào năm 1989 ngôi đền chính thức được Nhà nước xếp hạng là di tích.
Đền Dạ Trạch có cấu trúc từ ngoài vào gồm lầu chuông, hồ bán nguyệt, vượt qua khu vực sân là đến điện thờ có 3 tòa nhà. Phần nội ngoại thất của ngôi đền đều mang đến vẻ cổ kính, thiêng liêng.
Lễ hội Chử Đồng Tử
Bạn nên ghé đến đền Chử Đồng Tử vào thời điểm các lễ hội được diễn ra. Hàng năm, cứ vào ngày 10 – 12 tháng hai âm lịch, tại hai ngôi đền Dạ Trạch và Đa Hòa diễn ra lễ hội tình yêu. Đây là nét văn hóa đặc trưng của người Hưng Yên đã được gìn giữ và phát triển suốt chiều dài phát triển của dân tộc.
Phần lễ diễn ra các nghi lễ truyền thống với hình thức long trọng. Đó là cuộc rước kiệu thánh có đoàn rồng theo sau cùng trống chiêng tưng bừng. Đi theo sau nữa là hàng người dài với những bộ phục trang đặc sắc. Mục đích của lễ nghi này là mong ước về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Sau phần lễ sẽ đến phần hội, đây chính là thời điểm được nhiều người mong ngóng nhất. Rất nhiều các trò chơi dân gian diễn ra như: chọi gà, bịt mắt đập niêu, đu cây, đi cầu kiều, bịt mắt bắt dê,… Đan xen với các trò chơi là nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ, hoạt động thể thao hấp dẫn được nhiều người hưởng ứng có thể kể đến như: cầu lông, bơi chải, hát chầu văn, hát quan họ, hát ca trù, múa rồng.
Đặc biệt cứ trung bình 3 năm một lần, lễ hội Chử Đồng Tử lại được diễn ra với quy mô lớn thu hút rất đông du khách thập phương đổ về tham dự. Vào những ngày lễ từng dòng người nô nức đi trẩy hội tạo nên bầu không khí nhộn nhịp, rộn ràng vô cùng.
Đền Chử Đồng Tử Hưng Yên hiện nay đã và đang là một điểm tựa cho đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt. Đó là nét đẹp về đạo lý: “uống nước nhớ nguồn”, về sự thủy chung trong tình yêu. Triết lý sống ấy luôn luôn bất tử trong lòng mỗi người con đất Việt.