Lễ hội chùa Hương 2018 với chủ đề “Lễ hội kỷ cương, văn minh du lịch”. Năm nay, được khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng năm Mậu Tuất (tức 26-2).
Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ngày 16 tháng 1, ông Nguyễn Văn Hậu, PCT UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương 2018 cho biết, năm nay BTC sẽ siết chặt quản lý. Công tác chuẩn bị và tổ chức có nhiều điểm khác biệt để đảm bảo diễn ra an toàn, xứng tầm với giá trị của một di tích quốc gia đặc biệt.
Nếu phát hiện sai phạm sẽ bị "treo xuồng"
Nói về công tác chuẩn bị, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết, hiện nay hạ tầng giao thông từ khu vực thị trấn Đại Nghĩa xuống khu vực chùa Hương đã hoàn thành tuyến đường dài 11 km, với mặt đường mở rộng 18m (trước kia là 8m). Các đơn vị thi công đang hoàn thành hệ thống điện chiếu sáng trước ngày khai hội.
Bến Yến cũng được cải tạo, đảm bảo vệ sinh môi trường hơn. “Mọi năm, trong quá trình xây dựng bến, một số hộ dân đưa nước thải sinh hoạt trực tiếp ra suối Yến nên môi trường không tốt. Năm nay, chúng tôi đã làm hệ thống gom và đưa nước thải sinh hoạt của dân về địa điểm xử lý nên vấn đề môi trường trên suối đã được đảm bảo”, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết.
Theo thông tin từ Trưởng BTC Lễ hội chùa Hương, từ năm ngoái, các nhà vệ sinh công cộng đã được nâng cấp mới, phục vụ miễn phí, năm nay BTC quyết định xây dựng thêm để đảm bảo nhu cầu của khách sử dụng khi tham gia lễ hội. Ông Nguyễn Văn Hậu cho biết thêm, do ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa qua, nước ở Thiên Trù chảy xuống như thác, khiến nhiều đoạn đường bị sạt lở, đến nay, BTC đã khắc phục xong.
Về việc số lượng thuyền có đủ cung cấp cho người dự hội, ông Nguyễn Văn Hậu bày tỏ, hiện nay chùa Hương có 4.500 thuyền. Năm nay, BTC cho sơn lại các thuyền đồng bộ màu xanh và trang bị 6 phao/thuyền. Ông Hậu lý giải thêm, sở dĩ chỉ trang bị 6 pháo/thuyền vì suối Yến khá nông, lại đông thuyền di chuyển nên nếu có sự cố thì các thuyền khác cũng có thể hỗ trợ cứu hộ. Trưởng BTC Lễ hội chùa Hương cũng khẳng định, năm nay tiếp tục kiên quyết “nói không” với xuồng máy, chỉ có lực lực làm nhiệm vụ như công an, an ninh, kiểm lâm, y tế, nhà chùa… mới được phép sử dụng xuồng máy và khi sử dụng phương tiện này thì những người làm nhiệm vụ phải mặc trang phục của ngành. “Nếu chúng tôi phát hiện những cá nhân lợi dụng việc đi làm nhiệm vụ để sử dụng xuồng máy, trên xuồng chở khách đi lễ thì chúng tôi sẽ cho “treo xuồng”, ông Nguyễn Văn Hậu khẳng định.
Tập huấn cho người dân nâng cao chất lượng phục vụ
“Quần thể di tích chùa Hương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, vì thế chúng tôi ý thức được việc làm thế nào để lễ hội diễn ra quy mô, đúng tầm với di tích”, Trưởng BTC Lễ hội chùa Hương bày tỏ.
Theo ông Hậu, để tránh những tình huống phản cảm như đã diễn ra ở lễ hội năm ngoái, năm nay, BTC lễ hội đã họp với Ban Trị sự chùa Hương quán triệt tinh thần, nhắc nhở việc tổ chức các hoạt động theo đúng kế hoạch đã triển khai. BTC Lễ hội cũng yêu cầu các nhà kinh doanh các dịch vụ liên quan phải có biển hiệu, có số điện thoại đăng ký minh bạch, nếu có tình trạng khách bị “chèn ép” giá thì có thể liên lạc phản ánh theo đường dây nóng với BTC. Thêm nữa, để xử lý việc ép giá, năm nay, BTC sẽ tăng cường thêm lực lượng an ninh ở hai bên bờ suối Yến, nhanh chóng can thiệp xử lý nếu phát hiện những đối tượng với mục đích xấu.
Mọi công tác cho Lễ hội chùa Hương 2018 đã sẵn sàng. Ban tổ chức cho biết thêm, Lễ Hội Chùa Hương 2017 đón khoảng 1,5 triệu khách, đem về doanh thu khoảng 120 tỷ đồng, với năm nay BTC mong muốn Chùa Hương sẽ đón được đông khách hơn, cũng như cải thiện về quy mô lễ hội, thân thiện hơn với du khách.
Tham khảo: Tour Chùa Hương 1 ngày , Tour Yên Tử 1 ngày