1. Bánh căn
Bánh căn được làm từ bột gạo, sao đó đổ vào khuôn nhỏ như khuôn bánh khọt ở các tỉnh miền Nam. Tuy nhiên bánh căn có một điểm khác đó là khuôn không cần tráng qua một lớp dầu hoặc mỡ. Bên trên bánh thường là hải sản như tôm, mực được đem nướng chín rồi cho ra dĩa thành từng cặp với lớp hành phi bên trên mặt. Bạn nên ăn bánh căn ngay khi còn nóng bởi như vậy mới có thể thưởng thức được hết hương vị thơm ngon của nó. Đây chắc chắn là món phải thử khi du lịch Bình Thuận nha.
2. Bánh canh chả cá
Điểm hấp dẫn của bánh canh chả cá ở Phan Thiết là ngoài những miếng chả cá được chiên vàng hay hấp trắng tinh là những sợi bánh canh sợi nhỏ có màu trắng sữa. Bạn cũng đừng quên thử cách kết hợp lạ giữa bánh mì và nước dùng của người dân nơi đây nếu thưởng thức món ăn này nhé.
3. Bánh hỏi lòng heo
Món ăn này bao gồm bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm. Bánh hỏi nhìn có phần hơi rời rạc, cọng nhỏ, mịn, dai và thoạt nhìn trông có vẻ giống bún hơn. Đĩa lòng phải đầy đủ cả tim, gan, cật, phèo non và đặc biệt không thể thiếu thịt ba chỉ. Điểm ngon nhất của món bánh này chính là nước chấm làm từ nước cốt me pha chung tỏi ớt xay nhuyễn, đường và một chút muối tạo nên vị chua ngọt thơm dịu, thơm nức đầu lưỡi.
4. Răng mực nướng
Răng mực sau khi làm sạch thì được tẩm ướp với các loại gia vị và xiên thành que đem nướng. Món ăn này hấp dẫn nhiều thực khách bởi vị dai, giòn và ngọt thịt của mực khi ăn cùng bánh tráng nướng, tương ớt cực vui và đã miệng. Dần dần răng mực nướng đã trở thành một trong những đặc sản, cũng như là thức quà vặt quen thuộc của học sinh Bình Thuận mỗi khi tan trường.
5. Bánh quai vạc
Bánh quai vạc là món ăn khá nổi tiếng và phổ biến ở Bình Thuận. Điều khiến món bánh này thu hút thực khách là lớp bột trong veo, dai mịn, miếng tôm lột đỏ au đầy hấp dẫn. Bên cạnh đó chén nước mắm được pha chế từ loại mắm nổi danh của địa phương hay miếng chả cá hấp dai, mịn cũng góp phần tạo nên hương vị thơm ngon mà bất cứ thực khách nào cũng không thể chối từ.
6. Bánh tráng nướng mắm ruốc
Bánh tráng nướng mắm ruốc cũng là một thức quà ăn vặt khá đặc biệt mà bạn nên thử. Loại bánh tráng được dùng là bánh tráng gạo, có vài hạt mè đen bên trên. Khi có người ăn thì bánh tráng được đặt lên vỉ nướng rồi trét mắm ruốc, thêm cùng với trứng cút luộc thái miếng, nem, chả cá và hành lên rồi nướng chín. Khi bánh chín người bán sẽ dùng một thanh tre nhỏ cuộn từ từ chiếc bánh lại để tất cả nguyên liệu đều nằm yên trong bánh tráng.
7. Cá lồi xối mỡ
Cá lồi là loại cá khá phổ biến tại Bình Thuận với thịt cá săn chắc và rất ngon, được người dân chế biến làm rất nhiều món. Tuy nhiên món làm nên sự nổi tiếng của loài cá này chính là cá lồi xối mỡ. Cá lồi sau khi làm sạch thì được tao xơ sao đó rưới mỡ hay dầu nóng lên để thịt cá chín. Chính sự ngọt thịt của cá khi ăn kèm với nước mắm me cùng vị béo của gan cá đã làm mê mẩn không ít thực khách khi đến đây. Nếu có dịp thì bạn đừng quên thưởng thức món đặc sản Bình Thuận trứ danh này nhé.
8. Lẩu thả
Lẩu thả là cái tên khá lạ lẫm tuy nhiên ở Bình Thuận thì đây chính là một món ăn đặc sản hấp dẫn. Nguyên liệu chính để làm món lẩu thả gồm cá suốt tươi, khế chín, cà chua và ớt băm. Nồi nước lèo vừa đậm đà vừa cay cay ăn cùng bún ngon không gì sánh bằng. Ngoài ra lẩu thả còn cân bằng các yếu tố kim, mộc, thủy, hỏa, thổ theo ngũ hành nên ăn vào rất tốt cho sức khỏe của thực khách.
9. Cốm hộc
Một thức quà khá đặc trưng của vùng đất Phan Thiết mà bạn nên thử là món cốm hộc. Món ăn này được làm từ gạo nếp ngon rang nở bung và đường sên với dứa, gừng. Theo những cơ sở làm cốm nhiều kinh nghiệm thì loại nếp phụng và nếp hương là nếp ngon và thơm nhất.
Bánh cốm hộc có thể để được từ 1-3 tháng, vì vậy bạn có thể mua về để làm quà cho người thân, bạn bè nhé. Khi ăn, lấy dao cắt cốm thành 4 hoặc 6 miếng, ăn vào mùi vị vẫn thơm ngon như lúc mới làm.
10. Bánh rế
Bánh rế có nguồn gốc từ Ninh Thuận, nhưng lại phổ biến và trở thành đặc sản của vùng đất Phan Thiết, Bình Thuận. Tuy trông có vẻ đơn giản, thế nhưng để có thể chế biến bánh rế thành công đòi hỏi người thợ phải khéo léo. Khoai mì hay khoai lang phải chọn những củ thật tươi, không non cũng không già; đồng thời phải trải qua nhiều công đoạn chế biến khác nhau mới cho ra lò được những chiếc bánh rế đậm đà.