Mù Cang Chải được công nhận là một trong những danh thắng bậc nhất đất Việt. Nếu bạn yêu vẻ mộc mạc đồng quê, yêu màu xanh miền sơn cước, bạn sẽ yêu Mù Cang Chải.
Mù Cang Chải nằm ở đâu?
Huyện Mù Cang Chải nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái, có vị trí địa lý:
- Phía bắc giáp huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai
- Phía nam giáp huyện Mường La, tỉnh Sơn La
- Phía tây giáp huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu
- Phía đông giáp huyện Văn Chấn
Huyện nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000 m so với mặt biển. Muốn đến được huyện Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ - là một trong Tứ Đại Đèo của vùng Tây Bắc.
Nên đến Mù cang chải vào thời gian nào?
Mù Cang Chải được đánh giá đẹp quanh năm. Vào mùa xuân, mạ non sáng trên mặt nước; trong những tháng hè ấm áp, ruộng bậc thang xanh rực rỡ núi đồi và biến thành biển vàng vào mùa thu. Cuối đông, những thửa ruộng như bức tranh thuỷ mặc của núi rừng.
Mù Cang Chải có 2 mùa khá đẹp mà bạn có thể sắp xếp thời gian để đến.
- Khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 là mùa lúa chín, lúc này toàn bộ Mù Cang Chải sẽ vàng rực một màu lúa, thời tiết đẹp, thuận lợi để đến thăm nơi đây. Thường thời điểm phù hợp nhất là từ khoảng 15-9 đến 10/10 hàng năm, trước khoảng thời gian này thì lúa hơi xanh, sau khoảng này thì gần như đã gặt hết.
- Khoảng tháng 5-6 là mùa đổ nước, khi những cơn mưa mùa hè bắt đầu trút nước xuống những ngọn núi thì nước được dẫn từ trên núi vào các ruộng bậc thang. Nước tràn vào các thửa ruộng làm cho đất khô cằn trở nên mềm hơn và nở ra giúp bà con có thể cấy lúa. Đây cũng là thời điểm bà con bắt đầu xuống đồng cày cấy chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Chính vì thế ở các ruộng bậc thang miền núi phía Bắc, lúa chỉ có thể trồng được một vụ. Những bậc thang loang loáng nước trong nắng chiều tạo nên một vẻ đẹp khiến cho bao du khách phải ngỡ ngàng.
Đường nào đi đến Mù Cang Chải?
- Đường đi Hà Nội Mù Cang Chải di chuyển bằng ô tô qua ĐCT05 dài 307km và đi hết 6 giờ 30 phút. Từ trung tâm Hà Nội, bạn đi theo hướng Kim Mã, Đào Tấn, Võ Chí Công, đến Võ Nguyên Giáp tại Vĩnh Ngọc. Sau đó đi theo ĐCT05 đến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai tại An Thịnh. Sau khi đi ra từ ĐCT05, bạn đi theo ĐT163 đến QL32 tại Gia Hội chạy thẳng QL32 lên Yên Bái. Đi bằng ô tô qua tuyến đường này có thu phí bạn nhé.
- Đường đi từ Hà Nội đến Mùa Cang Chải bằng xe máy qua QL32 dài 276km và đi mất khoảng 7 giờ 30 phút. Từ trung tâm Hà Nội, bạn chạy theo hướng Tôn Đức Thắng, La Thành, Trần Duy Hưng và Hầm chui Trung Hòa đến ĐCT08 tại Mễ Trì. Tiếp theo bạn chạy thẳng QL32 qua qua cầu Trung Hà nằm ở huyện Ba Vì, sau đó bạn đi đến huyện Thanh Sơn thuộc tỉnh Phú Thọ. Từ đây, bạn qua thị trấn Nghĩa Lộ, xã Tú Lệ thuộc huyện Văn Chấn của Yên Bái. Và cuối cùng, bạn tiếp tục đến Dế Xu Phình rồi đi qua đèo Khau Pạ là đến huyện Mù Cang Chải.
Phương tiện đi chơi tại Mù Cang Chải
Di chuyển bằng ô tô
Nếu di chuyển bằng xe khách, bạn có thể chọn các hãng xe chất lượng cao như Ngân Hà, Hài Vân hoặc bắt xe khách theo tuyến Hà Nội – Than Uyên để đi qua Mù Cang Chải. Tuy nhiên, các điểm tham quan nằm rải rác ở các bản làng nên khi tới đây bạn phải thuê xe máy để chủ động di chuyển.
Di chuyển bằng xe máy
Xe máy là phương tiện tốt nhất để đưa bạn đến với vẻ đẹp Tây Bắc. Thời gian hành trình phụ thuộc vào tốc độ di chuyển của từng người nhưng trung bình; đi từ Hà Nội – Mù Cang Chải sẽ mất từ 7 – 8 tiếng.
Dù cung đường Nghĩa Lộ – Tú Lệ – Khau Phạ đã được xây dựng lại đẹp và bằng phẳng hơn trước rất nhiều. Đây vẫn là tuyến đường đầy thử thách vì đường nhỏ; độ dốc lớn lại có nhiều khúc cua nguy hiểm.
Vì vậy, để chuyến đi được an toàn, cần đảm bảo phanh xe chắc chắn. Nên đi theo hàng một, duy trì tốc độ ổn định và khoảng cách đều giữa các xe ở cung đường này. Tuyệt đối không nên đi thành hàng 2, hàng 3 vì sẽ rất khó xử lý kịp thời nếu gặp xe ngược chiều.
Chuẩn bị những gì khi đi Mù Cang Chải
- Giống như các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, thời tiết Mù Cang Chải cũng thay đổi liên tục trong ngày, có khi đang nắng chói chang lại có cơn mưa rào đột ngột ngang qua, chính vì vậy áo mưa, ủng đi mưa là những vật dụng không thể thiếu trong hành lý của bạn.
- Ngoài ra, trên vùng cao còn nhiều mây mù, đặc biệt trời sẽ trở lạnh về đêm nên bạn hãy chuẩn bị trang phục ấm áp nhé.
Điều gì hấp dẫn khi đến Mù Cang Chải?
Đèo Khau Phạ
Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, ngọn núi cao nhất vùng Mù Cang Chải. Đèo Khau Phạ có điểm khởi đầu là đoạn cắt quốc lộ 32 với quốc lộ 279 liền mạch liên tiếp với đèo Chấu phía trước nó và đèo Vách Kim phía sau trên đường 32. Từ thành phố Yên Bái, ngược theo quốc lộ 32 chừng 5 giờ đồng hồ, qua xã Tú Lệ, đèo Khau Phạ huyện Mù Cang Chải hiện ra giữa một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng. Những cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang của các dân tộc H'Mông, Thái.
Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa, tầm tháng 9 tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang chín vàng nương. Đây cũng là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo để ngoạn cảnh. Những cánh rừng già tại Khau Phạ còn lưu giữ được nhiều loại động thực vật quý hiếm như thông dầu, chò chỉ và các loại chim muông, thú quý hiếm khác.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải
Những thửa ruộng bậc thang có ở nhiều nơi tại núi rừng Tây Bắc và cả ở Đông Bắc. Chúng được sử dụng để canh tác trên khu vực đồi núi, và cũng là biện pháp để giữ được nước cung cấp cho đồng ruộng một cách hiệu quả. Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải thu hút đông khách du lịch cũng như các nhiếp ảnh gia bởi vẻ đẹp không lẫn vào đâu được. Một di sản văn hóa do những người dân tộc bản địa tạo nên qua nhiều thế hệ. Đến Mù Cang Chải, đâu đâu cũng thấy những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các quả đồi. Địa hình nơi đây là núi cao bị chia cắt bởi những khe suối, vực sâu và trập trùng là những rừng thông bạt ngàn. Cảnh quan những ruộng bậc thang hình mâm xôi, rừng, khe suối... tầng tầng, lớp lớp xếp lên nhau vô cùng ngoạn mục.
Ruộng bậc thang với diện tích rộng khoảng 330ha trở thành niềm tự hào của người dân Mù Cang Chải và cũng là điểm đến hấp dẫn du khách nhất. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn trải dài trên vùng đất Mù Cang Chải tạo nên khung cảnh đẹp say đắm du khách gần xa. Có thể nói, ruộng bậc thang là công trình nghệ thuật độc đáo của người Mông ở Mù Cang Chải. Nếu du lịch Mù Cang Chải vào mùa hè bạn sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa non xanh mơn mởn, còn nếu tới vào mùa thu những cánh đồng lúa chín vàng rực.
Đồi Mâm xôi
Đồi mâm xôi ở La Pán Tẩn được biết đến là ngọn đồi đẹp nhất ở Tây Bắc, với những thửa ruộng lúa chín vàng "mâm xôi" biểu tượng của Mù Cang Chải khiến du khách nào cũng muốn tới một lần. Khách du lịch vẫn rỉ tai nhau rằng, thửa ruộng mâm xôi đẹp nhất vào buổi sáng, lúc này ánh nắng bắt đầu le lói xen kẽ làn sương khói huyền ảo. Khoảnh khắc khi bình minh lên là thời gian lý tưởng để săn những góc ảnh đẹp và độc đáo, còn nếu muốn ngắm cảnh đẹp nhất bạn nên xuống tận ruộng.
Thời điểm hoàng hôn cũng được xem là thời gian lý tưởng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đồi mâm xôi, sắc tím nhuộm vàng càng khiến cho khung cảnh trở lên huyền ảo hơn. Nếu như bình minh đồi mâm xôi rực rỡ sắc vàng thì khi hoàng hôn buông xuống khung cảnh trở nên tĩnh lặng và đẹp tựa bức tranh. Hơn thế đây cũng là thời điểm để bạn chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp và mùi thơm đặc trưng của lúa chín.
Xã Tú Lệ
Là một thung lũng thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, Tú Lệ là một trong những điểm dừng chân yêu thích của nhiều du khách yêu vẻ đẹp thiên nhiên.
Tú Lệ giữa mùa thu, lúa chín vàng ươm rạt rào như sóng núi. Mùa gặt náo nức rộn ràng, mùi cơm mới theo gió bảng lảng trên chái nhà… Tú Lệ có thể ví như một cô gái miền sơn cước vô cùng xinh đẹp.
Không chỉ thu hút du khách bởi những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải tháng 9, Tú Lệ còn hấp dẫn cả những tay săn ảnh khi người Thái nơi đây vẫn lưu giữ được nét sinh hoạt truyền thống là “tắm tiên” bên suối.
Đỉnh Lùng Cúng
Một trải nghiệm không thể nào quên đối với những bạn trẻ yêu thích khám phá và chinh phục thiên nhiên hùng vĩ. Cung đường này chắc hẳn sẽ đón tím các bạn bởi khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những đồi cỏ bao la, những hàng thông xanh rì cao tít tắp, nền trời quyện bông trắng lảng bảng, mây ôm đỉnh Lùng Cúng tạo nên bức tranh hút hồn.
Tên đỉnh Lùng Cúng được đặt theo tên một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở bậc nhất tại xã Nậm Có - huyện Mù Cang Chải - tỉnh Yên Bái. Để chính phục được cung đường Lùng Cúng, các bạn cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng về sức khỏe và tư trang cũng như tính kiên trì, dẻo dai. Nếu có thể, nên luyện tập trước từ vài tháng trước khi chinh phục. Các bài tập bên sức, luyện cơ chân chắc chắn cần thiết để có chuyến đi suôn sẻ bạn nhé.
Thác Mơ
Thác Mơ nằm giữa hai ngọn đồi Nả Háng A và Nả Háng B thuộc địa phận xã Mồ Dề (Mù Căng Chải, Yên Bái).Trong hành trình chinh phục thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để bạn dừng chân, thưởng ngoạn. Từ quốc lộ 32, đi bộ khoảng 30′ vào đến chân thác, tiếp tục từ đây bạn sẽ tới điểm thác một tầng nơi dòng nước chảy theo hình xoắn ốc. Để đến được điểm thác 4 tầng tiếp theo bạn cần tiếp tục đi bộ ngược dòng thác, đây cũng là nơi ấn tượng nhất để bạn có thể lưu lại những hình ảnh tuyệt đẹp về Thác Mơ.
Thác Mơ ấn tượng với dòng thác chảy trong suốt, tung bọt trắng xóa, nước trong vắt với hoa rừng nở rực rỡ. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh đầy màu sắc, với sắc xanh của nền trời, màu đỏ tươi của hoa chuối rừng, màu hồng của hoa mận, hoa mơ và màu trắng của thác nước.
Đèo Lũng Lô
Đèo Lũng Lô mạn phía Yên Bái tiếp giáp Sơn La cũng trong cảnh tương tự như vậy. Con đèo dài 15 km này nằm trên quốc lộ 37, trong thời kì chống Pháp là một trong những con đường tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên. Kể từ đó cho đến nay, con đường dần bị rơi vào quên lãng, nhất là khi đèo Khế nối Yên Bái với Sơn La được mở.
Bản Lìm Mông
Bản Lìm Mông thuộc xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải , Yên Bái nằm ẩn mình trong mây mù huyền ảo quanh năm. Ở Yên Bái có nhiều bản làng dân tộc Mông nằm cách nhau bởi những quả núi, nhấp nhô dưới chân thung lũng xanh bát ngát. Bản Lìm Mông là địa điểm du lịch ở Mù Cang Chải được dân phượt yêu thích và được mệnh danh là "tứ đại hiểm địa". Bản Lìm Mông là điểm đến lý tưởng để du khách tìm hiểu cuộc sống và phong tục tập quán của người dân tộc vùng cao nơi đây, bên cạnh đó bạn còn được thưởng thức các món ăn đặc sản Mù Cang Chải tại đây.
Đến Mù Cang Chải thì ăn gì?
Thịt Trâu
Là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá.
Xôi Nếp Tú Lệ
Nếp Tú Lệ là một sản vật rất nổi tiếng từ xa xưa, nó được cấy trồng từ cánh đồng Mường Lò thuộc tỉnh Yên Bái. Truyền thuyết kể rằng, thuở xa xưa, Ngọc Hoàng sai các nàng tiên mang giống nếp xuống trần gian, chọn đất mà gieo trồng cho dân. Các nàng tiên đi khắp vùng Tây Bắc, đến núi Kháu Pạ, thấy một thung lũng bằng phẳng, vừa rộng rãi, vừa đẹp đẽ, cây cỏ tốt tươi, các nàng tiên bèn hạ cánh, lấy vùng đất của bản Pha bây giờ làm nơi gieo trồng những hạt nếp giống mang từ trên trời xuống. Mấy tháng sau, nếp trổ bông, hạt chin vàng ươm, thổi thành xôi ăn rất ngon, hương thơm ngào ngạt. Thế là các nàng tiên quyết định giao lại cho những người dân Thái ở đây giống nếp quý hiếm này.
Từ bản Pha, đời này qua đời khác, người dân bản địa tiếp tục gieo trồng loại nếp đó, lan rộng ra cả vùng Tú Lệ, Văn Chấn. Người đời này quen gọi giống nếp đó gọi là Tú Lệ.
Lợn Bản
Lợn được nuôi ở các bản làng Mù Căng Chải là lợn đen hay còn gọi là lợn cắp nách, người Mông nuôi lợn đen này theo phương pháp thô sơ, hoang dã, lợn được thả rông ngoài vườn hoặc trên các sườn đồi sau nhà, không có chuồng trại, không được chăm sóc, lợn chủ yếu ăn thức ăn sẵn có trong vườn nhà hoặc trên đồi như rau rừng, ngô, khoai, sắn nên thịt rất săn chắc, thơm và rất ít mỡ.
Vì được nuôi tự nhiên nên loại lợn này khá bé, chỉ khoảng dưới 10 - 15 kg/1 con, một con lợn có thể chế biến được một mâm cỗ với rất nhiều món như luộc, hấp, nướng, ăn kèm với rau rừng như măng, cải ... và chấm với muối mắc kén sẽ là điều vô cùng thú vị.
Nhộng Ong Rừng
Món nhộng ong xào mùng thơm ngon, bắt mắt phải không quá nát, phải giữ được hình thù của nhộng ong, còn mùng phải có màu xanh nhạt, có vị thơm béo ngậy của ong, mùi thơm của gia vị, của lá chanh.
Châu Chấu Rang
Châu chấu có quanh năm nhưng nhiều nhất vào mùa gặt, khoảng tháng 5 và tháng 9. Vào mùa, châu chấu bao giờ cũng thơm ngậy, là món ăn hấp dẫn khi đến Mù Cang Chải.
Ngoài ra tại Mù Cang Chải còn có món cua suối rang muối khá ngon, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có sẵn mà còn tùy thuộc vào thời gian bạn ở Mù Cang Chải. Bạn nên chủ động gọi điện đặt trước với các nhà hàng, quán ăn bởi thường các đoàn thường đi xung quanh chụp ảnh ở các điểm trước rồi mới về Thị trấn Mù Cang Chải để nghỉ ngơi, lúc đó thường đã muộn và hết đồ ăn .
Măng sặt
Măng sặt có vị ngọt và mềm, dễ để chế biến các món ăn, phù hợp với khẩu vị của nhiều người, măng sặt ăn ngon nhất khi ngọn măng mới nhú mập mạp, thân mầu trắng còn tươi nguyên mùi đất rừng. Chọn được những cây măng ngon thì cần biết cách chế biến để có những món ăn ngon hấp dẫn nhất. Măng sặt có thể chế biến được rất nhiều các món ăn như: món luộc, món om, món xào, món nướng…
Để thưởng thức món măng sặt ninh sườn có vị ngon đậm đà, thơm và hấp dẫn, măng sặt được bóc vỏ rồi đập dập, ninh với sườn lợn, cà chua và tỏi, thêm một chút hành, thì là thì bao giờ măng cũng hết trước sườn, bữa sau lại mua măng thả vào ninh tiếp, lạ thay măng vẫn cứ "chạy" hơn sườn.
Để làm món măng xào, người ta bóc vỏ măng và thái vát mỏng sau đó đem xào với lòng gà, lòng vịt hoặc thịt bò. Xen với vài lát cà rốt và ớt tươi, mâm cơm đã có đĩa xào đẹp mắt và ngon miệng.
Với món luộc, ăn kèm phải là nước chấm được pha ngon. Người ta thường dùng gừng, tỏi, lá mùi tàu, hạt dổi giã nhỏ, pha cùng nước mắm, đường để làm dậy lên cái ngon đặc biệt của măng. Tuy nhiên, theo người dân vùng cao có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là măng nướng. Chỉ cần nướng măng trên than hồng, khi chín, bóc từng lớp vỏ bên ngoài, ăn sẽ rất ngọt và thơm mà vẫn giữ nguyên được vị của măng rừng.
Các nhà hàng ở Mù Cang Chải
Nhà Hàng Hường Quyền
Địa chỉ: Tổ 3, thị trấn Mù Cang Chải, Yên Bái
Điện thoại: 0942 447 103
Nhà Sàn Quán Tuấn Thúy
Địa chỉ: Tổ 3, thị trấn Mù Cang Chải
Điện thoại: 0977.279.165
Nhà Hàng Hương Ly
Địa chỉ: Tổ 3, thị trấn Mù Cang Chải
Điện thoại:
Nhà Hàng Hằng Béo
Địa chỉ: Tổ 3, thị trấn Mù Cang Chải
Điện thoại:
Nhà Hàng Mạnh Thơm
Địa chỉ: Tổ 3, thị trấn Mù Cang Chải
Điện thoại:
Ở lại Mù Cang Chải thì ở đâu?
Nhà nghỉ Sơn Ca
Điện thoại : 029 3878 185 – 0988 981 675
Địa chỉ : Thị trấn Mù Cang Chải, Mù Cang Chải, Yên Bái
Nhà Nghỉ Hương Giang
Điện thoại : 029 3878486 – 0942 479495
Địa chỉ : Thị trấn Mù Cang Chải, Mù Cang Chải, Yên Bái
Nhà nghỉ Quang Minh
Địa chỉ : Thị trấn Mù Cang Chải, Mù Cang Chải, Yên Bái
Điện thoại : 0912 501627
Nhà nghỉ Lương Hưng
Địa chỉ : Bản Thái, Thị trấn Mù Cang Chải, Mù Cang Chải, Yên Bái
Điện thoại : 0964716235
Nhà nghỉ Khau Phạ
Địa chỉ : Nằm trên đèo Khau Phạ, cách Tú Lệ khoảng 7km theo hướng về Mù Cang Chải
Điện thoại : 0293 560929 – 0942 931845 – 0947 120866.