Phú Yên là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Định, phía Nam giáp Khánh Hòa, phía Tây giáp Đắk Lắk và Gia Lai, phía Đông giáp Biển Đông. Phú Yên có vị trí địa lý và giao thông tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Nhắc đến Phú Yên là nhắc về xứ nẫu bình dị, là về mảnh đất hoa vàng cỏ xanh xinh đẹp. Thế nhưng Phú Yên còn cất giấu nhiều điều thú vị hơn thế. Phú Yên được ban tặng cho một hệ thống cảnh quan thiên nhiên khá đa dạng, đầy đủ với núi, cao nguyên, đồng bằng châu thổ, sông, hồ, đầm, vịnh, hải đảo... Cơ sở hạ tầng du lịch của Phú yên được đầu tư mạnh.
Nên đi du lịch Phú Yên vào thời gian nào?
Thuộc đới khí hậu nhiệt đới gió mùa, Phú Yên sở hữu hai mùa nắng – mưa đặc trưng. Một điểm cộng của xứ biển này là mùa mưa không kéo dài, và rơi vào thời điểm cuối năm, từ tháng 9 – tháng 12. Chính điều này đã biến Phú Yên trở thành một thiên đường vui chơi cho mùa hè rực rỡ nơi phố biển.
Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc, điển hình nhất là Hội Bài Chòi thường rơi vào dịp Tết nguyên đán.
Đi Phú Yên như thế nào?
Từ Sài Gòn đi Tuy Hòa Phú Yên khoảng 550km, một chặng đường khá dài nên các bạn có thể chọn đi bằng xe bus, xe lửa hoặc bằng máy bay là hợp lí nhất.
Xe bus đi Phú Yên từ Sài Gòn
• Xe Thành Ban: xuất phát tại bến xe miền Đông, điểm đến bến xe Phú Lâm, phường Phú Lâm, Tuy Hòa. ĐT đặt vé: 1900 969681.
• Xe Bình Phương: xuất phát tại bến xe miền Đông, điểm đến bến xe liên tỉnh Phú Yên. ĐT đặt vé: 0573 836868 – 0573 826632.
• Xe Liên Hưng: xuất phát bến xe miền Đông, điểm đến bến xe Phú Lâm. ĐT đặt vé 1900 969681.
Đi bằng xe lửa
Địa chỉ: 181 Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3.
Địa chỉ: 149 Lê Trung Kiên, TP Tuy Hòa.
Máy bay
Có thể chọn các hãng hàng không như Jetstar, Vietnam Airlines, Vietjet Air cho chặng Sài Gòn – Tuy Hòa hoặc chặng Hà Nội – Tuy Hòa, tuy nhiên giá vé máy bay mắc hơn nhiều so với di chuyển bằng xe bus hoặc các phương tiện khác.
Đi lại ở Phú Yên
Xe buýt
Mạng lưới xe buýt công cộng Phú Yên chỉ có một vài tuyến và cũng không phủ rộng được hết đến những điểm du lịch cần thiết. Nếu sử dụng xe buýt để làm phương tiện đi lại, các bạn cũng cần kết hợp thêm đi bộ và thậm chí sử dụng cả xe ôm.
Xe máy
Các dịch vụ cho thuê xe máy ở đây cũng phát triển hơn, số lượng xe nhiều, thủ tục thuê xe đơn giản hơn trước. Các bạn có thể dễ dàng kiếm 1 chiếc xe để đi lại trong những ngày ở Phú Yên.
Taxi
Phương tiện phù hợp với nhóm đông người, gia đình có người già và trẻ nhỏ. Hiện trên địa bàn Phú Yên chỉ có một vài hãng taxi hoạt động, các bạn nếu hài lòng với taxi nào có thể giữ liên hệ với lái xe đó để đặt lịch đưa đi chơi trong những ngày ở Phú Yên
- Taxi Mai Linh Phú Yên: 0257 3898989
- Taxi Vinasun Phú Yên: 0257 3888888
- Taxi Sun Phú Yên: 0257 3797979
- Taxi Sao Phú Yên: 0257 3666666
- Taxi Tiên Sa: 0257 3686868
Đến Phú Yên thì đi đâu?
Biển Tuy Hòa
Phú Yên rất được ưu ái cho một đường bờ biển dài, và ngay tại trung tâm thành phố Tuy Hòa có một bãi biển xinh đẹp đến hơn 10km, ẩn mình dưới hàng dương xanh. Không đông đúc như biển Nha Trang hay Mũi Né, biển Tuy Hòa sẽ thu hút bạn với vẻ bình yên, giản dị khi đây là nơi người dân thường tụ hợp mỗi buổi chiều mát mẻ.
Tuy thế, biển Tuy Hòa vẫn có nhiều hoạt động thú vị như thể thao trên biển, hoặc các hàng quán ven bờ, phục vụ những món hấp dẫn như sò huyết, tôm, cua, hàu, chỉ cần thêm chút rượu gao là có thể nhâm nhi cả buổi chiều.
Bãi Môn - Mũi Điện
Bãi Môn là một trong những điểm cực đông của đất nước và cũng là nơi đón ánh bình minh sớm nhất. Biển Bãi Môn không dài, chỉ khoảng nửa cây số, nhưng lại được kẹp giữa hai dãy núi nên biển êm, sóng nhẹ, dốc thoải, rất hợp để tắm biển.
Tại bãi Môn còn có hải đăng Mũi Điện, thường được biết đến là mũi Đại Lãnh – là ngọn hải đăng đón ánh mặt trời đầu tiên cả nước. Và dù đường lên hải đăng có hơi khó một chút thì bạn vẫn sẽ hài lòng ngay thôi với cảnh đẹp như tranh.
Bãi Xép – Gành Ông
Là một trong những cảnh phim “đinh” của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Bãi Xép giờ đây đã trở thành một địa điểm phải check in khi du lịch Phú Yên.
Sở hữu những bãi đá đón sóng gập ghềnh, thảm cỏ non xanh vừa hoang sơ lại có phần giản dị, Bãi Xép luôn có một sức hút bất tận với những du khách đang tìm kiếm một chốn bình yên để chiêm ngưỡng thiên nhiên.
Gành Đá Đĩa
Gành Đá Đĩa luôn là địa danh được nhắc đến đầu tiên trong các kinh nghiệm du lịch Phú Yên. Cái tên Gành Đá Đĩa xuất phát từ việc các tảng đá nơi đây có hình dáng như lăng trụ hình tổ ong, được xếp kề sát, ngăn nắp với nhau như có một bàn tay tạo hóa kì diệu nào đó.
Đầm Ô Loan
Nằm ngay dưới chân đèo Quán Cau, đầm Ô Loan là một đầm nước lợ với khung cảnh tuyệt đẹp khi nhìn từ trên cao – chẳng khác gì một con phượng hoàng đang sải cánh. Hãy thử đến đầm Ô Loan vào buổi bình minh hoặc hoàng hôn, để được chiêm ngưỡng cảnh mặt trời soi bóng rực rỡ trên mặt nước yên ả.
Nhưng đó chưa phải là điểm thu hút nhất. Đầm ô Loan nổi tiếng nhất với với các món hải sản hấp dẫn như sò huyết, hàu, cua hoàng đế… Tất cả đều được mang danh hiệu đầm Ô Loan như một minh chứng cho chất lượng.
Tháp Nhạn
Là tòa tháp Chăm cổ được xây dựng từ những năm thế kỷ thứ 11, tháp Nhạn mang nét kến trúc cao tầng đặc trưng cùng với những đường nét điêu khắc tinh xảo, minh chứng cho một nên văn hoa đã từng thịnh vượng.
Bên trong tháp đặt tượng thờ Bà Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi từ thời Hậu Lê. Đứng bên ngoài tháp – trên đỉnh núi Nhạn, bạn có thể phóng tầm mắt nhìn thành phố Tuy Hòa, với núi Nhạn và sông Đà Rằng mộng mơ.
Cù Lao Mái Nhà
Với cái tên nghe khá lạ lùng, Cù Lao Mái Nhà được mệnh danh là đảo hoang Robinson của Phú Yên. Tuy chỉ cách bờ chừng nửa tiếng đi tàu như hòn đảo này lại cực ít người sinh sống, và nhờ đó vẫn giữ được vẻ hoang sơ vốn có.
Đến Cù Lao Mái Nhà, đừng quá ngạc nhiên với nước biển trong veo, và bờ cát mịn cực kỳ lý tưởng cho chuyến cắm trại đêm trên biển. Nhưng lưu ý là bạn cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết trước khi quyết định ở lại trên đảo nhé.
Đến Phú Yên Thì ăn gì?
Bánh canh hẹ
Bánh canh là một món ăn bình dân ở Phú Yên, tuy vậy chủng loại bánh canh ở Phú Yên rất phong phú như: bánh canh bột gạo, bánh canh bột lọc, bánh canh chả cá, bánh canh hẹ,… chỉ cần đi lòng vòng 10 phút cũng có thể đếm được tới 4-5 quán bán bánh canh bên vỉa hè, nhiều nhất là xung quanh bưu điện thành phố Tuy Hòa. Mỗi món bánh canh là một loại hương vị khác nhau, không quán nào giống quán nào. Bánh canh có thể được nấu với các vị cá dằm, chả cá là phổ biến, đặc biệt người ta dùng lá hẹ như một loại phụ gia đặc biệt thêm vào bánh canh để tăng thêm mùi vị.
Bánh hỏi lòng heo
Món ăn này có lẽ đã quá nổi tiếng khi nhắc đến vùng đất xứ Nẫu. Đến nỗi người dân vùng đất này còn bảo rằng “đến đây mà chưa ăn qua món này thì coi như chưa tới”. Bánh hỏi được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Một dĩa bánh hỏi được rắc mỡ hành lên ăn kèm với một dĩa thịt quay, thịt nướng, lòng heo… tùy thích. Đây là món ăn đặc biệt thường xuất hiện trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi, lễ cúng ở đình, chùa và là một nét văn hóa ẩm thực của địa phương.
Chả dông
Con dông có hình dáng như kỳ nhông nhưng lớn chỉ độ bằng ngón chân cái, sống nhiều ở vùng đất cát dọc bờ biển Phú Yên và các tỉnh miền Trung. Thịt dông được băm nhuyễn trộn với xã và ớt dùng làm nguyên liệu. Trộn đều thịt dông với một ít nấm mèo và bún khô. Dùng bánh tráng mỏng cuốn lại phần thịt đã chuẩn bị thành những cuốn đều bằng ngón tay cái người lớn và đem chiên chín vàng.
Dùng chả dông được ăn với rau sống nước mắm tỏi ớt trộn đâu phụng đăm nhuyễn rất ngon. Món chả dông làm nên dánh tiếng của các cửa hàng ăn trên đường Nguyễn Công Trứ khu Đại Nam cũ ở Thành phố Tuy Hòa. Ở đây thực khách có thể gọi một phần chả dông có thêm nem nướng được phục vụ cùng rau sống và bánh tránh để cuốn ăn kèm.
Sò huyết đầm Ô Loan
Sò huyết đầm Ô Loan nổi tiếng đã định danh chất lượng trong cả nước, dù không ít địa phương cũng có loại hải sản này. Sò huyết Ô Loan thịt mềm ngọt, mùa nào cũng mập ú, căng mọng. Vị ngon đặc biệt của con sò nơi đây chính là độ ngọt và có hương thơm, bổ dưỡng. Sò huyết Ô Loan được chế biến thành nhiều món ăn từ dân dã đến cầu kỳ như: sò hấp sả, sò nướng than hồng, sò la-cót, sò ram me, sò rang muối ớt, sò nấu cháo, sò tươi nhúng lẩu chua cũng cực ngon… Dù chế biến món gì thì người đầu bếp phải giữ cho con sò vừa chín tới, không được chín quá làm khô nước huyết bên trong coi như hết giá trị.
Hàu sữa Ô Loan
Hầu như con hàu được người dân ở đây lặn bắt quanh năm, nhưng hàu ngon nhất có lẽ kéo dài vào khoảng xuân hạ. Hàu được chế biến thành nhiều món ăn như nướng, um chuối cây, nhưng đặc biệt hơn phải là món cháo. Nấu cháo phải chọn loại gạo đỏ, hàu tươi sống cùng với một số gia vị thông thường. Cũng nấu như các loại cháo khác, nhưng món cháo hàu khi nêm gia vị vào lại có mùi thơm độc đáo, hương vị rất riêng. Cháo hàu được ăn bất cứ thời điểm nào trong ngày: điểm tâm sáng, ăn trưa hay kèm với một vài món khác trên bàn nhậu vào lúc chiều tà để “chữa cháy” thì “cuộc nhậu” càng trở nên hấp dẫn. Nhớ là cháo hàu ăn lúc nguội phải nói ngon hơn nóng, bởi lúc nguội nồi cháo sẽ ngọt đậm đà.
Địa chỉ khách sạn, nhà nghỉ ở Phú Yên
Tuy Hòa tuy chưa phải là điểm du lịch nổi tiếng giống như Nha Trang nhưng cơ sở hạ tầng nơi đây khá tốt, đặc biệt là hệ thống khách sạn, nhà nghỉ. Nếu bạn nào thích trải nghiệm khách sạn 4, 5 sao thì Tuy Hòa là một trong những nơi có giá rẻ nhất.
Những con đường tập trung nhiều khách sạn, nhà nghỉ nhất có thể kể đến như Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Độc Lập, Trần Hưng Đạo…
• Khách sạn Thanh Long: 314 Hùng Vương
• Khách sạn Nhiệt đới: 216 Nguyễn Huệ
• Khách sạn Hùng Vương: 241 Hùng Vương
• Khách sạn Hồng Ngọc: 186 Hùng Vương
• Khách sạn Sài Gòn – Phú Yên: 541 Trần Hưng Đạo
Những đặc sản mua về làm quà
Bánh ít lá gai
Cũng là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo ở Phú Yên vào những ngày giỗ tổ tiên. nhân bánh được làm từ nhiều thứ như: đậu phộng và dừa; đậu xanh; đậu đen…Bánh này được bọc bằng lá gai và khi cho ra lò có màu xanh thẫm và tương tự như bánh gai của miền Bắc. Nhưng người Phú Yên không cho một miếng mỡ vào nhân bánh như bánh gai và bánh ít còn được làm với nhiều loại nhân chứ không chỉ là nhân đậu xanh.
Bò một nắng
Để có món này, phải chọn loại bò cỏ, non tơ được chăn thả tự nhiên. Chỉ lấy hai phần là thịt đùi và thịt thăn trong một con bò sơ chế kỹ rồi thái thành miếng mỏng, mỗi miếng nặng độ 0,4kg, ướp muối, đường, bột ngọt, ớt hiểm rồi đem phơi. Nếu trời nắng tốt, chỉ phơi một hoặc hai nắng, nếu trời không nắng hoặc mưa có thể dùng lò than sấy. Làm cách nào để khoảng 2kg bò tươi còn lại độ 1,2kg thành phẩm là tốt nhất. Sau khi chế biến, phơi sấy song, phần thịt còn lại sẽ khô dai, có độ ngọt tự nhiên và hương vị đặc trưng. Ăn bò một nắng ngon nhất bằng cách nướng trên lửa than rồi xé dọc ra thành từng miếng nhỏ chấm với muối trứng kiến vàng, ăn kèm với dưa leo, các loại rau thơm.
Khô cá đét Sông Cầu
Cá đét là nguồn thực phẩm nhiều chất đạm, canxi, ít chất béo. Cá đét tươi cũng có thể nấu chua, nấu lẩu nhưng hạn chế của loại cá này là thịt hơi bở, có xương nên người ta chủ yếu là phơi khô làm mồi nhắm hoặc ăn cơm. Khác với một số vùng, cách chế biến khô cá đét Sông Cầu đơn giản giữ nguyên vị, không tẩm ướp. Mỗi lứa cá đét khô cần 2 nắng (phơi hai ngày) là vừa khô tới. Khô cá đét nướng (hoặc chiên) lên mềm, ít xương. Cá nhỏ không cần xẻ, phơi nguyên con, khi ăn ngọt thịt và có mùi nồng nồng, hăng hăng khá đặc trưng.
Khô cá đét được chuộng không chỉ bởi vị ngon dân dã mà còn khá tiện dụng. Trong nhà có bịch cá đét được bảo quản nơi thoáng mát hoặc bỏ vào tủ lạnh là không lo thiếu mồi ngon đãi khách đột xuất. Khô cá đét Sông Cầu là một trong những đặc sản của vùng đất xứ Nẫu. Không phải cao lương mỹ vị, khô cá đét ngon cái ngon dân dã, giá cả cũng hết sức bình dân.
Muối kiến vàng
Đây là thức chấm độc đáo của người miền núi Phú Yên. Những con kiến vàng được đặt hàng để người dân ở huyện miền núi đi thu bắt trên cây rừng. Mua kiến vàng về, phải lọc chọn loại kiến nhỏ đem phơi, rang chín rồi trộn với sả, ớt xay, tạo ra món muối chấm tuyệt hảo, khác biệt.