Thừa Thiên Huế Vẻ Đẹp Của Cố Đô.

Thừa Thiên Huế Vẻ Đẹp Của Cố Đô.

01/10/2020 11:00:34      2985 lượt xem

Cẩm nang đi du lịch: Vẻ đẹp Thừa Thiên Huế Tọa lạc hai bên bờ sông Hương, thành phố Huế là di sản văn hóa thế giới thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế. Huế sở hữu những di tích lịch sử có giá trị cao nằm trong Quần thể di tích Cố Đô Huế như Kinh Thành Huế, Lăng Minh Mạng, Lăng Gia Long, Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu và Trường Quốc Học. Du lịch Huế cũng là chiêm ngưỡng các thắng cảnh như núi Ngự Bình, bãi biển Thuận An, bãi biển Lăng Cô và phá Tam Giang. Nhã nhạc cung đình là một trong những nét văn hóa đặc sắ

 

Nếu có một ngày bạn chán ghét phố thị ồn ào náo nhiệt, thì hãy tới ngay Huế để cảm nhận trọn vẹn cái sự bình yên, thư thái của cuộc sống chậm rãi nơi đây. Nhắc đến du lịch Huế không thể không nhớ tới các cung điện, đền đài mang hơi thở cổ kính và truyền thống của một thời huy hoàng xưa kia. Bao đời nay cố đô Huế luôn được nhớ tới như một vùng đất của sự mộng mơ, thanh tao và dịu dàng. Thế nhưng Huế đâu chỉ gắn liền với hai chữ “lịch sử”, nơi đây còn được mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho muôn vàn cảnh đẹp của biển, của sông, của núi,… qua bao đời vẫn đẹp như thuở ban đầu.

 

Thời điểm lý tưởng nhất trong năm để du lịch Huế

Nếu khí hậu của cả nước đều chia thành hai mùa khô và mưa thì Huế lại chỉ có 2 mùa khác là mùa mưa và mùa ít mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 9 tới cuối tháng 12, mùa ít mưa kéo dài từ cuối tháng 12 cho đến khoảng tháng 4. Những tháng còn lại thời tiết Huế khả nắng do Huế cũng nằm trong vùng bức xạ nhiệt dồi dào và nền nhiệt cao. Du khách đến Huế vào nhiều thời điểm khác nhau. Nếu như du khách trong nước thường đến Huế từ khoảng đầu tháng 5 cho đến cuối tháng 9, thì khách du lịch nước ngoài lại đến Huế trong khoảng từ tháng 10 cho đến cuối tháng 4. Thời tiết lý tưởng nhất ở Huế thường là vào tháng 11. Các bạn có thể tham khảo một vài khoảng thời gian hợp lý để đi Huế như sau

  • Khoảng tháng 3 hàng năm, thời tiết Huế lúc này đang còn tương đối mát mẻ, trời cũng hiếm khi mưa nên các bạn có thể đi Huế vào dịp này, nhất là những gia đình có trẻ em và người già.
  • Dịp lễ 30-4 Huế thường tổ chức các lễ hội festival với rất nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, ngoài ra vào dịp này cũng thường có lễ hội pháo hoa quốc tế ở Đà Nẵng, các bạn có thể lập lịch trình đi du lịch Huế kết hợp du lịch Đà Nẵng.

Đi bằng gì để tới được Huế?

Bằng máy bay

 

  • Là một trong những thành phố lớn nhất cả nước, ở Huế có sân bay Phú Bài rất thuận tiện cho việc di chuyển nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian, bởi thời bay tới Huế chỉ tầm 1 tiếng mà thôi.
  • Bạn có thể chọn các hãng hàng không như Vietnam Airlines, VietjetAir, Jetstar, Bamboo Airway

Bằng tàu hỏa

 

       ●  Tàu hỏa sẽ là sự lựa chọn thú vị cho những ai dư dả thời gian và muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên trên đường đi.

  • Xe lửa Hà Nội – Huế có giá từ 300.000 – 955.000VNĐ/chiều, di chuyển trong khoảng 14 giờ.
  • Xe lửa Sài Gòn – Huế có giá từ 400.000 – 1.050.000VNĐ/chiều, thời gian chạy khoảng từ 18 giờ đến 22 giờ

Bằng xe khách

  • Nếu bạn muốn tiết kiệm tối đa chi phí di chuyển, bạn có thể chọn phương tiện xe khách để tới Huế. Ngày nay có rất nhiều hãng xe giường nằm uy tín, chất lượng cao chạy từ khắp các tỉnh thành tới Huế như: Hoàng Long, Phương Trang, TheSinhTourist,…

Phương tiện di chuyển nội thành khi đi du lịch Huế

Xe máy: Bạn có thể thuê xe máy với giá thành hợp lí từ 120.000 VNĐ/xe/ngày để khám phá thành phố Huế. Chỉ cần liên hệ với nơi bạn lưu trú, đa phần dịch vụ cho thuê xe rất phổ biến và luôn có sẵn cho du khách.

Xích lô: Ngoài ra xích lô cũng là một phương tiện đi lại thú vị cho du khách khi tham quan các điểm du lịch. Giá xích lô rất “hạt rẻ”, 15.000 – 20.000 VNĐ/người/giờ cho một chuyến khám phá, lại có người địa phương kể cho bạn nghe những câu chuyện hay ho.

Taxi: Mai Linh, Thành Công, Taxi Vàng, Hương Giang… là hãng có chất lượng tốt nhất đi kèm với sự hiện đại, sẵn sàng đồng hành cùng bạn trên mọi cung đường.

  • Mai Linh: 02343898989
  • Taxi Vàng: 02343.797979
  • Taxi Gili: 02343.828282
  • Taxi Hương Giang: 02343.878787

Những địa điểm du lịch Huế không thể bỏ qua

Khu vực nội thành Huế

Hoàng Thành Huế

 

Giá vé tham quan: 150.000VNĐ/người/lượt

  • Hoàng Thành Huế có diện tích hơn 500ha, là một địa điểm du lịch không thể bỏ qua, cũng là nơi nên đến tham quan đầu tiên khi tới đây. Đây là Kinh đô, trung tâm hành chính, chính trị của triều đình nhà Nguyễn trong suốt 143 năm và là nơi sinh hoạt của nhà vua và hoàng gia.
  • Khu vực phòng vệ: gồm vòng thành bao quanh bên ngoài, cổng thành, các hồ (hào), cầu và đài quan sát.
  • Khu vực cử hành đại lễ, gồm các công trình:
    • Ngọ Môn, cửa chính của Hoàng Thành – nơi tổ chức lễ Duyệt Binh, lễ Truyền Lô (đọc tên các Tiến sĩ tân khoa), lễ Ban Sóc (ban lịch năm mới).
    • Điện Thái Hòa – nơi cử hành các cuộc lễ Đại Triều một tháng 2 lần (vào ngày 1 và 15 Âm lịch), lễ Đăng Quang, lễ Vạn Thọ, lễ Quốc Khánh…
  • Khu vực các miếu thờ: được bố trí ở phía trước, hai bên trục dọc của Hoàng Thành theo thứ tự từ trong ra gồm:
  • Triệu Tổ Miếu ở bên trái thờ Nguyễn Kim.
  • Thái Tổ Miếu thờ các vị chúa Nguyễn.
  • Hưng Tổ Miếu ở bên phải Nguyễn Phúc Luân.
  • Thế Tổ Miếu thờ các vị vua nhà Nguyễn.
  • Khu vực dành cho bà nội và mẹ vua (phía sau, bên phải), gồm hệ thống cung Trường Sanh (dành cho các Thái hoàng Thái hậu) và cung Diên Thọ (dành cho các Hoàng Thái hậu).
  • Khu vực dành cho các hoàng tử học tập, giải trí như vườn Cơ Hạ, điện Khâm văn… (phía sau, bên trái).
  • Ngoài ra còn có kho tàng (Phủ Nội Vụ) và các xưởng chế tạo đồ dùng cho hoàng gia (phía trước vườn Cơ Hạ)
  • Điện Cần Chánh (nơi vua tổ chức lễ Thường triều).
  • Điện Càn Thành (chỗ ở của vua),
  • Cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý phi),
  • Lầu Kiến Trung (từng là nơi ở của vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương),
  • Nhà đọc sách và các công trình khác phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhà vua và gia đình như Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung)…
  • Khu vực Tử Cấm Thành nằm trên cùng một trục Bắc-Nam với Hoàng Thành và Kinh Thành, gồm một vòng tường thành bao quanh khu vực các cung điện như

Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ, nằm trên ngọn đồi Hà Khê, bên tả ngạn sông Hương. Chùa được xây dựng từ những năm 1600 và được bảo tồn qua nhiều lần, cho đến nay vẫn là một trong những hình ảnh đặc trưng của xứ Huế thơ mộng.

  • Gắn liền với chùa Thiên Mụ là tháp Phước Duyên và tiếng chuông chùa vang xa. Điều khiến tiếng chuông chùa Thiên Mụ trở nên đặc biệt như thế là bởi chuông được đánh một ngày hai lần, 3h30 và 19h30, mỗi lần đánh liên tục 108 hồi trong 1 tiếng.

Cầu Trường Tiền

 

Cầu Trường Tiền còn được gọi là Cầu Tràng Tiền , là chiếc cầu dài 402,60 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67 m. Khổ cầu 6 m, được thiết kế theo kiến trúc Gothic, bắc qua sông Hương. Đầu cầu phía bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu cầu phía nam thuộc phường Phú Hội; ở ngay giữa thành phố Huế.

Sông Hương

Sông Hương nằm trải dài khắp đất cố đô, uốn lượn tựa nhẹ nhàng qua khắp các địa danh nổi tiếng của Huế. Con sông này có lẽ đã chứng kiến hết tất cả sự hình thành, những cuộc chiến và cả vòng xoay cuộc đời của con người nơi đây.

Khi tới đây, bạn nên thử trải nghiệm ngồi thuyền ngắm dòng sông Hương mơ mộng, trữ tình và lắng nghe các làn điệu dân ca xứ Huế. Đặc biệt đi thuyền vào buổi tối khí trời mát mẻ, bạn sẽ được ngắm kinh thành Huế lung linh huyền ảo và đắm mình trong sự lãng mạn của Huế về đêm.

Chợ Đông Ba

Đây là khu chợ nổi tiếng nhất ở Huế nói riêng và miền Trung nói chung. Chợ buôn bán đầy đủ các mặt hàng từ thực phẩm, đồ dùng hằng ngày, đến những món đặc sản của Huế như hạt sen khô hồ Tịnh Tâm (trong Kinh thành), nón lá Phú Cam, hay đồ kim hoàn làng Kế Môn…

Hệ thống Lăng tẩm ở Huế

Lăng Gia Long
  • Lăng Gia Long còn gọi là Thiên Thọ Lăng bắt đầu được xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất. Lăng thực ra là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn nhỏ, trong đó có Đại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này.
·Lăng Minh Mạng
  • Lăng Minh Mạng còn gọi là Hiếu lăng do vua Thiệu Trị cho xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 để chôn cất vua cha Minh Mạng. Lăng nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12 km.
·Lăng Thiệu Trị
  • Lăng Thiệu Trị còn gọi là Xương Lăng nằm ở địa phận thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, Thị xã Hương Thủy. Được vua Tự Đức cho xây dựng vào năm 1847 để chôn cất vua cha Thiệu Trị. So với lăng tẩm các vua tiền nhiệm và kế vị, lăng Thiệu Trị có những nét riêng. Đây là lăng duy nhất quay mặt về hướng Tây Bắc, một hướng ít được dùng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn.
·Lăng Tự Đức
  • Lăng Tự Đức được chính vua Tự Đức cho xây dựng khi còn tại vị, là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất vua Tự Đức tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau cuộc nổi loạn Chày Vôi, Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi Tự Đức mất, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng. Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.
·Lăng Đồng Khánh
  • Lăng Ðồng Khánh còn gọi là Tư Lăng tọa lạc giữa một vùng quê thuộc làng Cư Sĩ, xã Dương Xuân ngày trước (nay là thôn Thượng Hai, phường Thủy Xuân, thành phố Huế). Nguyên trước đây là Ðiện Truy Tư được vua Đồng Khánh xây dựng để thờ cha mình là Kiên Thái Vương. Khi Ðồng Khánh mắc bệnh và đột ngột qua đời. Vua Thành Thái (1889-1907) kế vị trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế suy kiệt nên không thể xây cất lăng tẩm quy củ cho vua tiền nhiệm, đành lấy điện Truy Tư đổi làm Ngưng Hy để thờ vua Ðồng Khánh.
Lăng Khải Định
  • Lăng Khải Định còn gọi là Ứng Lăng toạ lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế là lăng mộ của vua Khải Định, vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Lăng được xây dựng từ năm 1920 ngay sau khi Khải Định lên ngôi. Về kiến trúc lăng Khải Định được người đời sau thường đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi sự pha trộn kiến trúc Đông Tây Kim Cổ lạ thường, với các tác phẩm nghệ thuật ghép tranh sành sứ độc đáo.

Đồi Vọng Cảnh

  • Đồi Vọng Cảnh là một ngọn đồi cao 43m ở phía Tây Nam thành phố Huế, chân đồi tiếp giáp bờ sông Hương. Nó tọa lạc giữa vùng lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn và đối diện với điện Hòn Chén được thiết lập từ thời xa xưa ở phái đối ngạn. Ở quanh quất cách đồi Vọng Cảnh khoảng năm bảy trăm mét là lăng Đồng Khánh, lăng Tự Đức, lăng Thiệu Trị, lăng Hiếu Đông (vợ vua Minh Mạng), lăng Xương Thọ (của bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị), lăng bà Thánh Cung (vợ vua Đồng Khánh), lăng bà Từ Cung (vợ vua Khải Định), lăng Hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long), v.v…
  • Đứng trên đồi Vọng Cảnh, người ta có được một cái nhìn bao quát đối với nhiều di tích cổ kính và những cảnh đẹp tuyệt vời ở một không gian thiên nhiên rộng lớn chung quanh, đặc biệt nhất là vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Hương. Ngọn đồi nằm giữa một khúc uốn mềm mại, dịu dàng và hấp dẫn nhất của dòng sông nổi tiếng đa tình và gợi cảm này. Đây là nơi sông núi xích lại gần nhau để tạo ra một không gian sơn kỳ thủy tú. Ý nghĩa của địa danh Vọng Cảnh là như vậy.

Lăng Cô

  • Bãi tắm Lăng Cô dài khoảng 8km, nằm dọc Quốc lộ 1A, cạnh đèo Hải Vân và cách Vườn Quốc gia Bạch Mã 24km. Ðây là một bãi tắm có bờ biển thoải, cát trắng, sóng vừa và lớn, thủy triều lên xuống theo chế độ bán nhật triều với mức chênh lệch thấp (chỉ khoảng 0,7-0,8m), rất thích hợp cho loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, lặn biển, và đã được xác định là một khu nghỉ mát lý tưởng từ mấy chục năm nay. Nằm liền kề bãi tắm Lăng Cô là núi Hải Vân – Hải Vân Quan một thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Dọc theo chân núi Hải Vân, biển Lăng Cô có dải san hô, tôm hùm và nhiều loại hải sản có giá trị cao. Trong khu vực đó còn có hòn Sơn Chà (đảo nhỏ), tại đây còn bảo tồn nhiều loại động, thực vật hoang dã.

  • Phía sau bãi tắm là đầm Lập An và dãy núi Bạch Mã. Tất cả những yếu tố đó mang lại cho Lăng Cô tiềm năng to lớn về phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch: nghỉ mát, lặn biển, tìm hiểu hệ động – thực vật hoang dã, nuôi trồng thủy sản…

Đầm Lập An

Đầm Lập An (đầm An Cư) nằm gần trục đường quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc trên con đường nối từ Đà Nẵng đến Huế. Đầm nằm ở vị trí khá đẹp khi tọa lạc dưới chân đèo Phú Gia với bán kính rộng 15 km2. Bao quanh quanh đầm là dãi núi Bạch Mã hùng vĩ, phía trước đầm là vịnh Lăng Cô

Vườn quốc gia Bạch Mã

Vườn quốc gia Bạch Mã chính là ranh giới giữa xứ Huế dịu dàng, e lệ với Đà Nẵng sôi động, tràn đầy sức sống. Nơi đây vừa mang nét hoang liêu, u tịch, vừa độc đáo, vừa lạ lẫm nên rất phù hợp với những ai muốn khám phá điều mới.

Bạch Mã đẹp, thơ mộng với mây gió ngút ngàn, với hoa thơm bướm lượn bên những khe suối cạn ven đường, với hoa đỗ quyên dịu dàng một dải bên bờ thác hùng vĩ cao 300m, với những áng mây bay có thể tự tay chạm vào rồi bất giác vụt qua…

Ẩm thực cố đô nhất định phải thử!

Bún bò Huế

Nhắc đến Huế thì không thể quên bún bò Huế, bởi món ăn này được xem như “linh hồn” của nền ẩm thực nơi đây. Một bán bún “chuẩn” thì không thể nào thiếu được một miếng chân giò, một miếng giò tự nắm, một miếng tiết lợn nhỏ và nguyên liệu sau cùng quan trọng nhất là thịt bò. Bát bún nóng hổi, thơm phức chắc chắn sẽ càng kích thích vị giác và thị giác hơn khi bạn dùng cùng một chút rau sống.

  • 17 Lý Thường Kiệt, TP. Huế
  • Quán Bà Tuyết: 47 Nguyễn Công Trứ, TP. Huế
  • Quán Mệ Kéo: 20 Bạch Đằng, TP. Huế

Cơm hến

Tuy đây chỉ là món ăn dân dã nhưng bát cơm hến đậm đà hương vị này vẫn thu hút biết bao người và tồn tại cho đến ngày nay. Những con hến khi được thêm gia vị đậm đà, hoà quyện cùng các nguyên liệu như tóp mỡ chiên giòn, mắm ruốc, lạc rang, rau chuối, giá đỗ… Chỉ cần nhìn thôi trong lòng đã cảm thấy háo hức lắm rồi!

  • Quán Nhỏ: 28 Phạm Hồng Thái, TP. Huế
  • Các quán ở Cồn Hến, P. Vĩ Dạ, TP. Huế
  • Cơm hến Bà Cam: 2 Trương Định
  • 98 Nguyễn Huệ

Nem lụi

Đến Huế mà không ăn nem lụi thì thật là vô cùng đáng tiếc. Sự cuốn hút của món ăn nổi tiếng xứ Huế này có lẽ là đến từ miếng nem lụi được tẩm ướp bằng công thức đặc biệt để rồi sau khi nướng trên than hồng thơm lừng và nước lèo ăn nem lụi được pha chế từ hàng chục nguyên liệu khác nhau như dầu ăn, gan lợn, bột đao, đường, tương nước mắm, quế chi, hoa hồi và cốt dừa. Cuốn miếng nem nướng vàng cùng rau sống, khế, giá đỗ, dứa, lát chuối xanh thái mỏng chấm cùng nước lèo thì không gì ngon bằng.

Bánh canh Huế

Bánh canh Huế được nấu bằng bột mì với cá và da heo, hoặc với thịt băm nhỏ vo viên… Công đoạn chế biến đơn giản và nhanh chóng: nước dùng đun sôi trong nồi, bột nhào xong cán thật mỏng quanh một ống nhôm tròn làm thớt. Dùng dao xắt thành từng con nhỏ, rơi vào nồi nước nóng. Khi bột vừa chín tới, vớt ra tô, chế nước dùng có thịt heo, cá và hành thái nhỏ, chêm gia vị vào rồi ăn nóng.

Làng Nam Phổ xã Phú Thượng, Phú Vang cách trung tâm thành phố Huế chừng 6km, đã có nghề bán cháo bánh canh truyền thống. Tuy cũng là cháo bánh canh, nhưng nó hoàn toàn khác với bánh canh đời mới. Vì thế, nếu không quen biết thì du khách dễ nhầm lẫn…Bánh canh Nam Phổ bắt đầu bán từ buổi chiều khoảng 13 giờ trở đi, hàng bánh canh do một phụ nữ gánh đi bán dạo (ngày trước người bán trẻ hay già đều đội nón Huế, mặc áo dài). Xuất phát từ Nam Phổ, lên Vỹ Dạ, qua chợ Ðông Ba, vào Thành Nội… Trong hàng bánh canh, còn bán cả bánh lọc, bánh ít, bánh nậm v.v… là những thứ bánh đặc sản Huế. Bánh canh truyền thống Nam Phổ làm bằng bột gạo (xưa không có bột mì), lại chỉ dùng tôm giã nhuyễn trộn trứng. Tô bánh canh hình dẹt, nước dùng trong và sền sệt, thơm phức…

Các loại bánh Huế

Huế có vô vàn loại bánh: bánh bèo, bánh bột lọc, bánh khoái, bánh nậm, bánh ít… Có một điểm khá hay ở những loại bánh này là bạn có thể ăn lúc nào cũng được. Dù đã du nhập sang rất nhiều tỉnh miền Trung khác nhưng hương vị ở Huế thì không nơi nào có thể sánh nổi.

  • Quán Bà Đỏ: 08 Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP. Huế
  • Khu ẩm thực của các chợ như chợ Tây Lộc, chợ Đông Ba.
  • 109 Lê Huân
  • Quán Bà Hòa: 11A Trương Định

Chè Huế

 

 

Các món chè ở Huế thì bao lao kể hoài cũng chẳng hết được. Nào là chè nhãn bọc hạt sen, chè hạt lựu, chè trôi nước, chè khoai sọ, chè bột lọc…, đặc biệt là món chè bột lọc heo quay mà không nơi nào có.

Đặc sản Huế mua về làm quà

Tôm chua Huế

Tôm chua đúng “điệu” phải được làm từ những con tôm nước lợ thật tươi, nhất là tôm từ Cầu Hai đưa lên thì tuyệt. Chọn những con tôm đều nhau và tương đối to. Tôm được ngắt đầu, rửa sạch, ngâm một lát trong rượu. Sau đó vớt ra để ráo, trộn đều với các thứ phụ gia: riềng, tỏi, ớt đỏ, măng non, xôi nếp, nước mắm ngon. Trong các thứ phụ gia thì riềng đóng vai trò quan trọng nhất nên phải dùng nhiều hơn cả. Tỏi to thái mỏng, ớt thái vát dài và mỏng, riêng và măng thái thành sợi mảnh. Tôm được ủ tốt nhất là trong vại sành. Khi nào chín đem ra trộn với một ít mật ong. Có thể gia tăng thêm ít riềng rồi đóng vào các lọ thuỷ tinh hoặc lọ nhựa. Như vậy trong một lọ tôm chua ta thấy đủ các sắc màu: trắng, vàng, hồng, đỏ; đủ các vị: ngọt, béo, bùi, cay, chua, đắng, vừa nóng lại vừa mát, nghĩa là vừa có dương, vừa có âm. Tất cả hoà trộn tạo nên một mùi thơm đầy quyến rũ. Quá trình ủ tôm kéo dài từ 7-10 ngày, mà phải để trong phòng sạch sẽ, thoáng mát. Nếu cầu kỳ hơn, người ta có thể chôn xuống đất để giữ nhiệt độ ổn định cho quá trình lên men. Nhiệt độ càng ổn định, tôm càng thơm, càng ngọt.

Mè xửng

Mè xửng là loại kẹo ngọt dẻo, được làm từ mạch nha pha trộn lẫn với dầu phụng (dầu từ đậu phụng), có mè bao phủ xung quanh kẹo, được cắt từng miếng vuông nhỏ (bao giấy bóng nhỏ) gói trong hộp. Kẹo mè xửng là một trong những đặc sản đã trở thành biểu tượng văn hóa của Huế.

Bên cạnh đó khi các bạn đến với chợ Đông Ba nơi đây có vô vàn đặc sản mà bạn có thể lựa chọn để làm quà tặng cho người thân.

Khách sạn ở Huế

Sự lựa chọn được nhiều người cân nhắc là các khách sạn 3 sao ở Huế nhờ giá cả phải chăng, chỉ từ 500.000 VND/ đêm. Cộng thêm vị trí đẹp – đa số nằm ở khu vực trung tâm, hoặc gần các địa điểm  du lịch nổi tiếng, những cái tên như Khách sạn Thanh Uyên Huế, villa Huế, Cherry hotel Hue, Rosaleen Boutique hotel đều đang rất được du khách yêu thích

Beaulieu Boutique Hotel

Nằm trong bán kính 700 m từ Chợ Đông Ba và Cầu Tràng Tiền, Beaulieu Boutique Hotel cung cấp chỗ nghỉ tại thành phố Huế. Du khách có thể truy cập Wi-Fi miễn phí trong toàn bộ khách sạn và sử dụng chỗ đỗ xe trong khuôn viên.

Được bài trí trang nhã, tất cả các phòng nghỉ tại đây đều có máy điều hòa và sàn gỗ cũng như cửa sổ lớn. TV màn hình phẳng và ấm đun nước cũng được trang bị trong phòng. Phòng tắm riêng đi kèm tiện nghi vòi sen và máy sấy tóc.

Hotel La Perle

Tọa lạc ở khu trung tâm ồn ào và náo nhiệt của thành phố Huế, Hotel La Perle cung cấp chỗ nghỉ thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời. Khách sạn cung cấp nhà hàng trong khuôn viên và Wi-Fi miễn phí trong tất cả các khu vực.

Chỗ nghỉ cách Cố đô Huế khoảng 3 km, chợ Đông Ba sôi động 2,5 km và Chùa Thiên Mụ 6 km. Sân bay gần nhất là sân bay Phú Bài, cách khách sạn 14 km. Chỗ nghỉ cung cấp dịch vụ đưa/đón sân bay, dịch vụ cho thuê xe máy và dịch vụ đưa đón với một khoản phụ phí.

Mỗi phòng nghỉ tại khách sạn này đều có máy điều hòa, truyền hình cáp và phòng tắm riêng.

Khách Sạn Jasmine Huế

 

  • Địa chỉ: 8-10, 8-10 Chu Văn An, Phú Hội, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
  • Giá phòng: từ 680.000VNĐ/đêm

Tọa lạc ngay trung tâm Thành phố Huế, với vị trí giao thông thuận lợi cho các hoạt động tham quan, giải trí và vui chơi, mua sắm. Với hệ thống 8 tầng, bao gồm 68 phòng ngủ được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại và tiện nghi đạt chuẩn chất lượng 3 sao. 

Khách sạn Festival Huế

 

  • Địa chỉ: 15 Lý Thường Kiệt, Phú Nhuận, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
  • Giá phòng: từ 900.000VNĐ/đêm

Bao gồm 86 phòng được trang bị các tiện nghi, du khách có thể lựa chọn dịch vụ thư giãn như phòng mát xa, phòng xông hơi khô và một bể bơi ngoài trời. Nhà hàng phục vụ món ăn Huế chính thống được nấu với nguồn nguyên liệu địa phương. Với sự kết hợp hài hòa giữa phong cách hiện đại và nét phong cách cổ xưa của xứ Huế, đã thu hút nhiều du khách dừng chân nghỉ dưỡng. Từ đây du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Huế vào đêm.

Khách sạn New Star

 

  • Địa chỉ: 36 Chu Văn An, Phú Hội, Huế, Thừa Thiên Huế.
  • Giá phòng: Từ 650.000VNĐ/đêm

Với sự kết hợp tiện nghi hiện đại và cổ điển ngay tại trung tâm thành phố Huế, New Star cung cấp phòng rộng rãi, tiện nghi và một không gian nghỉ ngơi với không khí thích hợp để thư giãn. Sự tiện lợi thông qua một loạt các tiện nghi và dịch vụ được thiết kế nhằm đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Với trọn bộ kinh nghiệm du lịch Huế trên đây, hi vọng bạn sẽ có những trải nghiệm đáng nhớ nhất tại xứ Huế mộng mơ nhé.

Bài viết liên quan mới đăng
Bài viết liên quan cũ hơn

KHUYẾN MÃI DU LỊCH

Tour Cầu Vàng Đà Nẵng

GIÁ 830.000VNĐ  1.080.000VNĐ

Tour Hạ Long 1 ngày

GIÁ 700.000 VNĐ 850.000VNĐ

Tour Cù Lao Chàm 1 ngày

GIÁ 480.000VNĐ 660.000VNĐ

Tour Phú Quốc 1 ngày

GIÁ 260.000 VNĐ 330.000VNĐ

Bài viết mới nhất!

Camnangdidulich trên Facebook