LĂNG KHẢI ĐỊNH – HUẾ
Châu Ê ơi hỡi Châu Ê,
Khi đi thì có, khi về thì không.
Lăng Khải Định, còn gọi là Ứng Lăng là lăng mộ của vua Khải Định (1885-1925), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn
Địa chỉ :
thuộc làng Châu Chữ thị xã Hương Thuỷ tỉnh Thừa Thiên Huế.
Giá vé:
giá vé cho người lớn là 100.000 VNĐ/lượt và trẻ em là 20.000 VNĐ/lượt.
Lăng Xây Dựng
Lăng khởi công ngày 4 tháng 9 năm 1920 do Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy và kéo dài suốt 11 năm mới hoàn tất. Tham gia xây dựng lăng có rất nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng... Để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước và lấy số tiền đó để làm lăng. Hành động này của Khải Định đã bị lịch sử lên án gay gắt.
So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích khiêm tốn hơn nhiều, với kích thước 117 m × 48,5 m nhưng ngược lại cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Để xây lăng, Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise..., cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu... để kiến thiết công trình trên ngọn đồi này.
Kiến Trúc Lăng
Về kiến trúc lăng Khải Định được người đời sau thường đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng... tạo ra từ phong cách kiến trúc.
Về tổng thể, lăng là một khối hình chữ nhật vươn lên cao có 127 bậc cấp. Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique... đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể:
Những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ;
Trụ biểu dạng stoupa của Phật giáo;
Hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu;
Nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể...
Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông - Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định.
Điểm Tham Quan
Cổng Tam Quan vào lăng Khải Định
Cổng Tam Quan nằm ở tầng thứ nhất của lăng, gồm 2 công trình chính là Tả Tòng Tư và Hữu Tòng Tự. Đây là nơi dùng để thợ tự các vị công thần có công với đất nước. Ngay từ chiếc cổng phần nào bạn cũng thấy được sự hoành tráng của nó. Và để đến được cánh cổng này, bạn cần vượt qua 37 bậc thang trong tổng số 127 bậc của lăng nhé!
Nghi Môn và sân Bái Đính trong lăng Khải Định
Đi thêm 29 bậc thang nữa bạn sẽ tới với khu vực Nghi Môn và sân Bái Đính nằm ở tầng thứ hai của lăng Khải Định Huế. Nơi này nổi bật với hai hàng tượng quan văn, quan võ được tạc như người thật – một mô hình đặc trung khiến du khách ai cũng bất ngờ khi tận mắt nhìn thấy.
Cung Thiên Định
Cung này ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, được xây dựng công phu và tinh xảo. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện... kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa... cũng được trang trí nơi đây.
Điện Khải Thành – nơi đặt án thờ vua Khải Định
Đây là nơi đặt án thờ vua Khải Định. Điện được đúc bằng bê tông sơn màu đồng, các họa tiết trang trí trang trí xung quanh cũng mang một màu vàng như cung điện. Bên trên có bức hành đề khắc tên là Khải Thành Điện, bên dưới điện này đặt thi hài của vua.
Tượng đồng vua Khải Định
Tượng đồng vua Khải Định đặt tại Ứng Lăng, như một hiện vật quý báu về các vua nhà Nguyễn. Đồng thời thông qua đây giúp thế hệ sau có được một hình dung sống động về diện mạo của vị vua này lúc sinh thời.
LƯU Ý
Lăng là nơi thờ linh thiêng nên mọi người đến đây tham quan cần mặc đồ lịch sự áo không hở quá 2/3 ngực không được mặc quần đùi váy trên đầu gối.
Đi nhẹ nói khẽ ở Lăng.
Chúc các bạn có chuyến tham quan thật là ý nghĩa.