Bún đỏ
Bún đỏ là món ăn đặc sản chỉ có ở Buôn Ma Thuột, nhưng nó cũng chỉ là một món ăn vỉa hè hết sức bình dị. Lang thang khắp thành phố thì thấy hầu như chỗ nào có bán thức ăn nhanh, bún, miến, cháo, phở là y như rằng có bún đỏ. Nhưng các quán bún đỏ ngon và nổi tiếng chủ yếu tập trung ở góc phố Phan Đình Giót giao với Lê Duẩn.
Bún đỏ là tên được gọi theo màu của sợi bún. Bản thân sợi bún ở đây trông đã khác lạ so với sợi bún ở nơi khác, bởi nó to cỡ chiếc đũa, ăn dai dai giòn giòn. Để tạo màu đỏ cho bún, người ta nhúng bún vào một nồi nước dùng, mà theo "bật mí" của bác chủ hàng bún đỏ được làm từ hạt điều - loại “phẩm nhuộm” thực phẩm tự nhiên hết sức an toàn cho sức khỏe.
Thịt nai
Thịt nai là món đặc sản chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non.
Thịt nai có thể chế biến thành nhiều món: nai nướng, nai xào lăn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử và sau cùng là nai khô hợp lại đủ 7 món như thịt bò. Nhưng nai nướng, nai nhúng giấm và nai khô lại là những món tiêu biểu nhất.
Lẩu rau rừng
Tuy gọi là lẩu nhưng món lẩu rau rừng này giống món canh hơn. Món đặc sản đặc biệt này có đến 10 loại lá rừng được lựa chọn để nấu cùng với thịt các loại hoặc tôm khô. Những người dân tộc Ê Đê đã sáng tạo ra món lẩu rau rừng này khi phải đối mặt với một cuộc sống khó khăn. Để có đồ ăn, họ đã phải vào rừng để tìm kiếm những loại lá khác nhau về để nấu canh.
Trải qua thời gian dài món ăn đã trở thành đặc sản và thu hút được nhiều du khách thưởng thức. Du khách tới du lịch Buôn Ma Thuột có thể thưởng thức món ăn đặc sản này tại nhiều nhà hàng trên khắp thành phố.
Bánh canh lòng
Bánh canh lòng chắc chắn không thể bỏ qua, một món ăn không kén khách,vừa rẻ vừa ấm bụng. Món bánh canh ở đây gần giống với bánh canh Sài Gòn, nước dùng đậm đà từ xương thịt. Sợi bánh canh mềm dai tự nhiên và không bị nát, ăn chung với nước lèo là tròn vị.
Điều đặc biệt ở món này là họ ăn cùng với lòng, bao tử gà heo thay vì ăn chung với thịt nạm, tôm hay thịt chân giò.
Cá lăng sông Serepok
Cá Lăng có thể chế biến thành nhiều món, tuy nhiên ấn tượng nhất vẫn là món lẩu cá lăng với hương vị độc đáo mang đậm chất Tây Nguyên. Ăn lẩu cá Lăng thì tuyệt nhiên cá phải tươi, không ăn cá ướp lạnh. Khi nồi lẩu sôi, cho cá vào cùng với các loại rau ăn kèm. Vị ngọt, bùi của thịt cá hòa trộn cùng vị chua thanh thanh của các loại gia vị như bài thuốc không thể thiếu một vị nào; thử một miếng thấm đến tận chân răng
Để nồi lẩu ngon hơn phải ăn kèm với cần tây, cải xanh, rau đắng, bạc hà và đặc biệt không thể thiếu rau thì là để nước lẩu thơm hơn, ngọt hơn.
Gà nướng Bản Đôn
Để có những con gà nướng ngon, hợp lòng du khách, người dân Bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và có cách làm món riêng. Trước hết, giống gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Đất ở Bản Đôn rộng, vườn thưa, gà nuôi ở đây được thả rông tự do, thức ăn chính của chúng là cỏ non, côn trùng và lúa rẫy.
Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con. Sau khi làm xong, gà để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng. Để ăn gà nướng ở Bản Đôn “đúng bài”, du khách phải chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả.
Cà đắng
Cà đắng là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, hiện nay đã được người dân khu vực Tây Nguyên trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm, trái cà dài, to hơn cà pháo của người Kinh có gai, màu xanh sọc đốm trắng, đặc biệt có vị đắng rất đặc trưng.
Cà đắng được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau trong bữa cơm của người dân tộc ê đê như nấu với cá tươi, cá khô, tép khô, thịt rừng,… ngoài nấu chín, người ê đê còn ăn cà đắng sống, bằng cách giã nát cà rồi cho thêm gia vị: muối, ớt, bột ngọt, lá é, lá và củ nén.
Món ngon Đắk Lắk - Món vêch
“Vêch” theo tiếng của người Ê Đê thực chất là phần đầu ruột non của động vật ăn cỏ mà phổ biến nhất là bò. Công đoạn giết bò, mổ lấy “vêch” được tiến hành thật nhanh để không gây xáo trộn các thành phần bên trong nội tạng. Người có kinh nghiệm nhất sẽ chọn một đoạn ruột non liền kề với bao tử bò, dùng lạt buộc chặt hai đầu rồi mới cắt ra để riêng
Đoạn ruột này được chần qua nước sôi, bóp lấy phần dịch tiêu hóa bên trong pha với nước, lọc, lắng rồi cô đặc. Những phần nội tạng khác cùng với da, đuôi… được luộc sơ, cắt miếng rồi nấu cùng loại gia vị đặc biệt vừa chế biến từ “vêch” kể trên và nhiều gia vị khác như ớt, củ nén, sả, riềng, tiêu rừng,…
Ngày nay, món “vêch” vẫn là một trong những món ăn quen thuộc của người ê đê, dù có đôi chút cải biến cho phù hợp với điều kiện của từng gia đình và hầu như người ê đê nào cũng biết nấu và nấu rất ngon.
Nếu có dịp lên Đắk Lắk, bên cạnh thưởng ngoạn những cảnh đẹp thì đừng quên tìm và thưởng thức món ăn đặc sản này nhé. Chắc chắn món ăn đậm đà hương vị Tây Nguyên sẽ khiến các bạn nhớ mãi!